Đưa hàng Việt về nông thôn và bình ổn thị trường hàng hóa

08/12/2024 06:02

Thực hiện Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và bình ổn thị trường hàng hóa là một trong những nội dung cơ bản của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (viết tắt là Cuộc vận động), qua đó tạo điều kiện để người dân ngày càng sử dụng nhiều hơn các sản phẩm do người Việt Nam trong nước sản xuất.

Thực hiện Cuộc vận động, trong năm 2024, Sở Công thương tích cực phối hợp với các ngành, các cấp, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, trong đó tập trung vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, nhằm tăng thị phần hàng Việt tại vùng biên. Đồng thời, cùng với các doanh nghiệp tham gia các hội nghị trực tiếp và trực tuyến về kết nối tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành và các siêu thị, nhà phân phối lớn, nhằm hỗ trợ đưa hàng hóa của tỉnh vào tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nhằm xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng hàng Việt; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các đối tượng có hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam của nhà nước để trục lợi, kinh doanh, mua bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng quá hạn sử dụng.

Hàng hóa sản xuất trong nước chiếm ưu thế trên thị trường thành phố Kon Tum. Ảnh: H.N

 

Theo báo cáo của Sở Công thương, năm 2024, đơn vị chỉ đạo Trung tâm Khuyến công-Xúc tiến thương mại phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện và UBND các xã tổ chức 7 đợt đưa hàng Việt về nông thôn tại các xã vùng sâu, vùng xa gồm: Ngọc Lây, Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông); Đăk Môn, Ngọc Linh (huyện Đăk Glei); Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi); Đăk Pxi (huyện Đăk Hà); Đăk Nên (huyện Kon Plông). Thông qua đó, các doanh nghiệp đã cung cấp những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống cơ bản của người dân.

Đồng thời, định kỳ hàng năm, Sở Công thương hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tổ chức hội chợ, kết nối giao thương, điểm bán hàng OCOP, nhằm góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của tỉnh. Thông qua việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, các doanh nghiệp được các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp tư vấn, thiết kế bao bì, nhãn hiệu, logo phù hợp với tính năng, công dụng sản phẩm, tạo điều kiện cho các cơ sở phát triển sản phẩm ra thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ngoài ra, còn duy trì điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Kon Tum, nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong tỉnh và các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Bên cạnh đó, Sở Công thương tổ chức Hội chợ Công thương khu vực Tây Nguyên - Kon Tum với quy mô 250 gian hàng của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, có sự tham gia của 3 tỉnh Salavan, Chămpasắc, Attapư (nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào). Hội chợ thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham gia mua sắm, doanh thu ước đạt 18 tỷ đồng. Qua các kỳ hội chợ triển lãm, hội chợ sản phẩm ở tỉnh, người tiêu dùng biết đến sản phẩm và tin dùng, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của tỉnh.

Hàng hóa sản xuất trong nước chiếm ưu thế trên thị trường huyện Đăk Tô. Ảnh: H.N

 

Tuy nhiên, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn các xã vùng sâu, vùng xa ở tỉnh ta vẫn còn thiếu tính bền vững; quy mô tổ chức còn nhỏ, manh mún; việc tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn còn ít so với nhu cầu của nhân dân. Nhiều doanh nghiệp tham gia Chương trình này còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng, kinh nghiệm thực hiện xúc tiến thương mại, nên hiệu quả đạt được chưa cao.

Nhằm thực hiện Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Liên ngành Công thương-Tài chính tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4307/KH-UBND, ngày 29/11/2024 về “triển khai thực hiện Chương trình bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025”. Chương trình này gắn liền với Cuộc vận động, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, định hướng, khuyến khích người tiêu dùng có thói quen, ưu tiên sử dụng hàng Việt.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tại các điểm bán hàng cố định có treo các bảng pa-nô, áp-phích; các điểm bán hàng lưu động có treo băng rôn trên các xe bán hàng lưu động; các địa phương công bố công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về Chương trình bình ổn giá. Các doanh nghiệp cam kết tổ chức bán hàng hóa theo đăng ký, đảm bảo sản phẩm chất lượng, an toàn và cung ứng đầy đủ hàng hóa trong thời gian tham gia bình ổn giá, đồng thời bố trí hàng hóa ở các vị trí thuận tiện để người tiêu dùng dễ nhìn, dễ nhận biết và mua sắm.                  

Hà Nguyên

Chuyên mục khác