Sức ép lên hàng Việt

01/03/2017 18:27

​Hiện nay, mặc dù hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng sử dụng phổ biến và yêu thích hơn, tuy nhiên, hàng Việt vẫn đang phải chịu nhiều sức ép từ hàng ngoại nhập, nhất là hàng Trung Quốc. Thật giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng như bị đánh đố không biết đường nào mà lần.

Rau quả Trung Quốc gắn mác Việt

Tại các chợ, nhiều mặt hàng rau củ, trái cây của Trung Quốc thuộc đủ các chủng loại như táo, cam, quýt, bắp cải, cà chua, súp lơ, cà rốt, khoai tây, hành tây… được bày bán tràn lan; thế nhưng, tất tần tật lại được gắn lên mác hàng hoá các tỉnh thành của Việt Nam.

Địa phương nào của nước ta có sản phẩm gì thì lập tức các loại hàng Trung Quốc đều được đóng mác thành hàng hoá của nơi đó, như cam Vinh, rau củ Đà Lạt, nho Ninh Thuận, mận Lào Cai...

Trên thị trường có nhiều loại trái cây Trung Quốc nhưng đều được gắn nhãn mác Việt. Ảnh: T.H

 

Rau củ Trung Quốc thường có giá rẻ hơn, nguồn cung dồi dào hơn, hình thức đẹp và đồng đều hơn, bảo quản dễ dàng hơn và cũng ít bị hư hỏng như rau củ của Việt Nam và cốt yếu là lợi nhuận cao.

Theo tìm hiểu của phóng viên, rau củ Trung Quốc được mua sỉ với giá rất rẻ, nhưng khi được gắn lên nhãn mác hàng hoá trong nước thì được đẩy giá lên gấp 2 – 3 lần nên hầu hết người buôn bán đều ham.

Mặt khác, rau củ quả của nước ta thường theo mùa vụ, chất lượng cũng không đồng đều, ổn định; giá cả lúc cao lúc thấp tuỳ thuộc vào năng suất, sản lượng từng mùa vụ nên tiểu thương cũng khó bán hơn so với hàng Trung Quốc.

Trên thực tế, rau củ, trái cây Trung Quốc vốn dĩ không được lòng người tiêu dùng Việt bởi những nỗi lo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, dù là hàng có xuất xứ Trung Quốc nhưng điều đáng lưu ý là người bán không dễ gì thừa nhận điều đó với người mua.

Chính vì thế, mặc dù các loại rau củ, trái cây có nguồn gốc Trung Quốc nhưng người mua vẫn khó phân biệt bởi hầu hết các sản phẩm đều đã được hô biến thành hàng hoá trong nước.

Chị Trương Thị Nga (tổ 11, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Làm sao để biết hàng nào là hàng Việt, hàng nào là hàng Trung Quốc. Ra chợ hỏi thì toàn nghe người bán trả lời là không bán hàng Trung Quốc, hàng của nước mình 100%, không biết đường nào mà lần.

Thực sự mà nói, đại đa số người tiêu dùng không thích mua trái cây, rau củ có nguồn gốc từ Trung Quốc, họ chỉ mua khi không biết mà thôi.

Hàng Trung Quốc chiếm ưu thế ở nông thôn

Hàng Trung Quốc, hàng giả, hàng không nhãn mác thực chất cũng là hàng Trung Quốc có mặt ở khắp nơi từ thành phố đến các vùng nông thôn, nhưng nhiều nhất là ở các vùng sâu, vùng xa - những nơi giao lưu thương mại chưa phát triển. Đặc biệt là các mặt hàng may mặc, giày dép, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em... nhan nhản khắp nơi.

Những loại hàng hoá kém chất lượng vẫn được gắn nhãn mác Việt. Ảnh: T.H

 

Theo một số người chuyên bán hàng rong về các thôn làng cho biết, mấu chốt vẫn nằm ở giá cả còn chuyện nhãn mác, thương hiệu chỉ là thứ yếu. Hàng Trung Quốc đích thực, hàng không nhãn mác hầu hết đều có giá bán rất rẻ nên phù hợp với túi tiền của một bộ phận không nhỏ người dân nông thôn. Mặt khác, mẫu mã hàng hoá lại đẹp, kiểu dáng đa dạng vì thế rất dễ tiêu thụ.

Thời gian qua, mặc dù ngành chức năng đã tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng Cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt, tổ chức những chuyến bán hàng Việt ở nông thôn; tuy nhiên trên thực tế hàng Việt ở thị trường nông thôn vẫn còn eo hẹp, hạn chế.

Hiện nay, ngoài những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn theo kiểu bán hàng lưu động, các doanh nghiệp trên địa bàn còn thờ ơ với việc mở rộng kênh phân phối ở thị trường nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nên người tiêu dùng ít có cơ hội tiếp cận hàng Việt thực sự.

Trong khi đó, kiến thức tiêu dùng của một bộ phận người dân nông thôn còn hạn chế. Đây chính là kẽ hở để không ít doanh nghiệp, người kinh doanh lợi dụng đánh lừa người tiêu dùng bằng cách thay nhãn mác hàng hoá Trung Quốc bằng mác hàng Việt hay hô biến hàng không nhãn mác thành hàng Việt để dễ tiêu thụ.

Chị Nguyễn Thị Hậu (thôn 3, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà) thật thà chia sẻ: Người dân nông thôn chúng tôi đơn giản chỉ cần nhìn thấy hàng hóa và sản phẩm phù hợp là mua thôi. Nếu cơ quan chức năng đưa hàng Việt chất lượng và giá phù hợp về nông thôn thì người dân sẽ mua và sử dụng, còn nếu cứ kêu gọi vận động dùng hàng Việt mà hàng hoá không có bán thường xuyên, giá cả đắt đỏ thì dân chúng tôi có muốn cũng đành chịu.

Không riêng gì chị Hậu, ở nhiều vùng quê, khi chúng tôi hỏi về tiêu chí mua sắm hàng hoá thì phần lớn người dân đều có suy nghĩ này.

Thực tế cho thấy, đúng là muốn tuyên truyền, vận động người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì không thể chỉ tập trung tuyên truyền, mà trên hết phải có hàng Việt chính hiệu, đảm bảo chất lượng, mẫu mã, giá cả vừa túi tiền để người dân có thể mua.

Song song với đó, các doanh nghiệp cũng cần gây dựng mạng lưới, hệ thống đại lý để hàng hoá tiếp cận với người tiêu dùng dễ dàng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; đặc biệt, cần quan tâm chú ý đến việc đưa hàng Việt về các vùng khó khăn để hàng Việt “bám rễ”, lan toả.

Đồng thời, các lực lượng chức năng cũng cần kiểm soát chặt chẽ những mặt hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc nhập lậu để bảo vệ cho uy tín của hàng Việt và quyền lợi của người tiêu dùng.

Thiên Hương

Chuyên mục khác