Phát triển thị trường bán lẻ: ​Cơ hội để hàng Việt lan toả

04/06/2017 07:03

​Đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển kéo theo nhu cầu tiêu dùng hàng hoá ngày càng gia tăng. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường bán lẻ hàng hoá và đây cũng chính là cơ hội để hàng Việt Nam có điều kiện lan tỏa.

Thị trường bán lẻ Kon Tum trong những năm gần đây phát triển khá nhanh chóng. Bên cạnh các mô hình thương mại truyền thống gồm các chợ thì còn có sự gia tăng mạnh mẽ của mạng lưới bán lẻ hiện đại với các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên doanh...

Tại những khu vực thuận lợi, thị trường bán lẻ đang phát triển theo hướng dịch chuyển từ chợ truyền thống sang chợ hiện đại, các siêu thị, cửa hàng tiện ích đang mọc lên ngày càng nhiều với nhiều chính sách để thu hút người tiêu dùng.

Chỉ tính riêng tại thành phố Kon Tum, thời gian qua đã xuất hiện một loạt các siêu thị với hình thức kinh doanh hiện đại; hàng hoá phong phú, đa dạng, chất lượng đã thu hút được đông đảo người tiêu dùng như Siêu thị Vinmart, Siêu thị Điện máy Chợ Lớn, Điện máy Xanh...

Siệu thị Vinmart với phần lớn hàng hoá được bày bán là hàng Việt. Ảnh: T.H

 

Ở những siêu thị này, phần lớn hàng hoá được bày bán là những sản phẩm mang thương hiệu thuần Việt hoặc nhãn hiệu made in Việt Nam. Trên thực tế, để có mặt trên các kệ hàng của các siêu thị lớn này, các loại hàng hoá phải trải qua không ít các vòng chọn lựa, đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe của ngành chức năng nên chất lượng hàng hoá đáng tin cậy, cơ bản đáp ứng các tiêu chí hàng Việt Nam chất lượng cao.

Tiêu biểu như tại Siêu thị Vinmart, hơn 90% các mặt hàng được bày bán tại đây là hàng hoá trong nước từ các loại đồ gia dụng thiết yếu đến các mặt hàng thực phẩm, may mặc, hoá mỹ phẩm... Trong thời gian tới, tại thành phố Kon Tum có thêm Siêu thị Saigon Co.op với quy mô lớn và đơn vị cũng đã cam kết hầu hết hàng hoá được bán là sản phẩm hàng Việt Nam có chất lượng.  

Bà Phan Thị Dung (tổ 4, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Sự xuất hiện ngày càng nhiều các siêu thị, cửa hàng hiện đại đã tạo rất nhiều thuận lợi trong việc mua sắm của người dân chúng tôi. Điều đầu tiêu phải nói là khách hàng có thể yên tâm về chất lượng hàng hoá, nhất là yên tâm mua được những mặt hàng Việt chính hãng, giá cả được niêm yết công khai, rõ ràng, không phải lo mua hớ, mua nhầm phải hàng Trung Quốc, hàng nhái, hàng lậu. Một yếu tố nữa là hàng hoá dồi dào không chỉ giúp người dân có nhiều lựa chọn mà giá cũng cạnh tranh hơn, nhiều ưu đãi, khuyến mãi hơn; các chế độ chăm sóc khách hàng cũng chu đáo hơn.

Suy nghĩ của bà Dung cũng là quan điểm chung của nhiều người tiêu dùng hiện nay. Hàng Việt chiếm lĩnh hệ thống bán lẻ đã từng bước làm thay đổi thói quen người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu bởi với sự hiện diện rộng rãi, đều khắp của hàng hóa Việt Nam, nhất là với những cơ sở bán hàng uy tín sẽ góp phần nâng cao tình cảm, nhận thức của người dân đối với hàng trong nước. Nếu như trước đây, đa số người tiêu dùng ưa thích dùng hàng nước ngoài, thì hiện phần đông người dân lại có xu hướng ưu tiện chọn lựa và tin dùng hàng Việt, nhất là các mặt hàng dệt may, da giày, nhóm hàng thực phẩm, rau quả...

Đối với các vùng nông thôn, chợ truyền thống lại là thế mạnh cạnh tranh thu hút người tiêu dùng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Thời gian qua, từ nhiều nguồn vốn, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư mở rộng, nâng cấp, tạo ra cơ sở hạ tầng chợ khang trang hơn, thuận lợi trong kinh doanh, phục vụ người tiêu dùng. Điều đáng nói hơn cả là những năm gần đây, tiểu thương tại kênh phân phối hàng hoá này cũng chú trọng hơn đến việc đưa các mặt hàng Việt Nam vào chợ để đáp ứng nhu cầu cũng như xu hướng tiêu dùng hàng Việt của người dân nông thôn.

Tiêu biểu như chợ Kon Plông, hiện nay chợ đang được thực hiện xã hội hoá. Đây là trung tâm mua bán của người dân trên địa bàn huyện, hoạt động kinh doanh tại chợ khá sôi động với nhiều mặt hàng. Ngoài các mặt hàng được người dân mua nhiều nhất là nông sản thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày như mì chính, nước mắm, xà phòng, dầu ăn, rau, củ, quả, bánh, kẹo, quần áo, giầy dép và một số mặt hàng như điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng cũng được nhiều người tìm mua...

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số chợ chưa phát huy được vai trò của mình, không thu hút được tiểu thương, hoạt động kinh doanh èo uột hoặc không hoạt động. Và lẽ dĩ nhiên, ở những khu vực này, người dân sẽ thiệt thòi hơn trong việc mua bán bởi thiếu kênh phân phối có sự kiểm soát của ngành chức năng mà hầu hết mọi nhu cầu đều phải phụ thuộc vào các tiểu thương bán hàng lưu động hoặc các cửa hàng nhỏ lẻ, hàng hoá khó đảm bảo sự tin tưởng.

Có thể nói, việc thị trường bán lẻ ngày càng phát triển là tín hiệu vui đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ của tỉnh. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nhiều địa phương thị trường bán lẻ vẫn còn những hạn chế, bất cập chưa đáp ứng được mong đợi của người dân cũng như xu hướng phát triển. Do đó, để thị trường bán lẻ phát triển rộng khắp, bền vững tạo cơ hội cho hàng Việt vươn xa, rất cần có những chính sách hỗ trợ của nhà nước và sự chủ động của chính các nhà bán lẻ chuyên nghiệp, các tiểu thương.

Thiên Hương

Chuyên mục khác