Ngăn chặn hàng rởm “núp bóng” hàng Việt

01/08/2016 07:59

Thời gian qua có một số đối tượng, tổ chức làm ăn bất chính đã tìm cách ăn theo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; lợi dụng lòng tin, sự ủng hộ của người tiêu dùng dành cho hàng Việt để tiêu thụ những mặt hàng trôi nổi, kém chất lượng, hàng Trung Quốc giá rẻ núp dưới danh nghĩa hàng Việt Nam.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi qua chặng đường hơn 6 năm. Với sự tích cực tuyên truyền, vận động; sự nỗ lực đưa hàng Việt đến gần hơn với người dân của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp đã giúp tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và thói quen tiêu dùng của đại bộ phận nhân dân. Người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng tin tưởng, ưu ái lựa chọn hàng hoá nội địa.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng mừng ấy, trên thực tế thời gian qua có một số đối tượng, tổ chức làm ăn bất chính đã tìm cách ăn theo cuộc vận động; lợi dụng lòng tin, sự ủng hộ của người tiêu dùng dành cho hàng Việt để tiêu thụ những mặt hàng trôi nổi, kém chất lượng, hàng Trung Quốc giá rẻ núp dưới danh nghĩa hàng Việt Nam. Điều này vô hình trung đã làm méo mó hình ảnh hàng của Việt Nam trong lòng người tiêu dùng; làm mất lòng tin của người dân về hàng Việt; giảm hiệu quả của cuộc vận động này.

Thời gian qua, tại nhiều chợ dân sinh, tuyến đường lớn từ thành phố Kon Tum đến các huyện; rất nhiều mặt hàng tiêu dùng hằng ngày như giày dép, quần áo, túi xách... được xả hàng tràn lan với giá rẻ đến không ngờ và đều được quảng cáo là hàng Việt. Những mặt hàng này thường được bán đồng giá, theo mớ hay đổ đống, chẳng hạn bàn chải đánh răng 10.000 đồng/3 chiếc, quần Jeans 100.000 đồng/chiếc, áo thun 100.000 đồng/3 chiếc, giày dép 50.000 đồng/đôi…

Nhiều hàng hoá không rõ nguồn gốc vẫn được quảng cáo là hàng Việt. Ảnh: Thiên Hương

 

Đáng chú ý là những người bán hàng luôn đưa ra những quảng cáo rất hấp dẫn như kiểu: “Thực hiện cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, hôm nay công ty X,Y,Z... chúng tôi mang hàng hoá về phục vụ bà con...” hay “được sự cho phép của Bộ Công thương, Công ty X, Y, Z... tổ chức chuyến đưa hàng Việt về nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng Việt với giá cả phải chẳng...”.

Vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, các mặt hàng này được bày bán khắp nơi, những chiếc loa được những người bán hàng thu âm sẵn cứ oang oang quảng cáo, chào mời người tiêu dùng dưới danh nghĩa thực hiện cuộc vận động, theo chủ trương của các cơ quan chức năng. Với cách PR hấp dẫn, hàng hoá đều được giới thiệu là hàng Việt, giá rẻ nên luôn thu hút được khá đông người dân quan tâm.

Tuy nhiên, kiểm tra kỹ càng mới thấy những mặt hàng này hầu như không có nhãn mác, không nhà sản xuất; những công ty được quảng cáo cũng không biết ở đâu. Những người tiêu dùng cẩn thận đều biết đây là những mặt hàng kém chất lượng, hàng Trung Quốc phẩm cấp thấp, hàng nhái, thậm chí là cả hàng lậu núp dưới danh nghĩa hàng Việt. Thế nhưng, điều đáng nói là rất nhiều người không biết, nhất là người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận với hàng Việt chính hãng thì cứ đinh ninh đó là hàng Việt thật. Đến khi sử dụng  rồi mới thấy chất lượng không như mong đợi thì cũng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì những người bán hàng đã di chuyển đi nơi khác.

Kiểu buôn bán này xuất hiện công khai ngay ở nơi thường tập trung đông người; nhưng không thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra, nhắc nhở hay chấn chỉnh, xử phạt gì. Người bán cứ bán, người mua cứ mua.

Bên cạnh đó, ở nhiều vùng nông thôn, lợi dụng chương trình vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, nhiều doanh nghiệp làm ăn bất chính cũng đã tràn về các vùng nông thôn, quảng cáo rùm beng, rồi tổ chức hội thảo, bán hàng có khuyến mãi nhiều loại hàng hoá có giá trị như nồi cơm điện, quạt điện, bếp ga, bếp từ...

Những người có chức trách ở địa phương thì tin vào những tờ giấy đăng ký kinh doanh, thiện chí của doanh nghiệp trong việc hưởng ứng chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn và cũng muốn tạo thuận lợi để người dân mua sắm nên sẵn sàng tạo điều kiện. Còn người dân thì cứ nghĩ, doanh nghiệp đã được cho phép, bán hàng công khai, hàng hoá đều được giới thiệu hàng Việt chất lượng cao nên chẳng ngại ngần ủng hộ, chỉ đến khi mang về sử dụng, chất lượng không đảm bảo thì mọi việc cũng đã rồi, các công ty thì đã “cao chạy xa bay”.

Ngoài ra, cũng phải nói tới tại một số hội chợ, phiên chợ hàng Việt về nông thôn, vẫn còn nhiều mặt hàng không phải hàng Việt, thậm chí là hàng thanh lý, hàng xổ… không hiểu sao đã lọt qua cửa kiểm soát của các cơ quan chức năng, đàng hoàng gắn nhãn mác “made in Vietnam” và lại lôi kéo người dân bằng sự ưu ái dành cho hàng Việt Nam.

Với những kiểu buôn bán ăn theo cuộc vận động này, hàng Việt bị gắn nhãn bừa bãi đã làm cho nhiều người dân hiểu không đúng về chủ trương của các cấp, các ngành; đánh giá sai về hàng Việt và mất lòng tin về hàng Việt. Và khi “vàng thau lẫn lộn”, người dân không thể biết đâu là hàng chính hãng, đâu là hàng nhái, hàng rởm thì chuyện người dân thờ ơ hoặc quay lưng với hàng hoá Việt là điều dễ hiễu. Vấn nạn này nếu được giải quyết triệt để thì những chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hội chợ hàng Việt sau này sẽ khó thu hút người tiêu dùng vì nạn “treo đầu dê bán thịt chó” do một số đối tượng lợi dụng gây ra.

Thiên Hương

Chuyên mục khác