Ghi nhận từ “Điểm bán hàng Việt Nam”

05/01/2024 13:02

Thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, Sở Công thương phối hợp với các địa phương xây dựng, đưa vào hoạt động được 5 “Điểm bán hàng Việt Nam” (Điểm bán hàng) trên địa bàn tỉnh.

Trong tháng 11/2023, tại thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) đã khai trương điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng.

Điểm bán hàng tại thị trấn Sa Thầy được Bộ Công thương hỗ trợ 120 triệu đồng để hỗ trợ cho thương nhân bao gồm: 2 bảng hiệu nhận diện bên ngoài và bên trong cửa hàng, 2 kệ trưng bày; hỗ trợ tuyên truyền băng rôn, cờ phướn, tờ rơi, tổ chức khai trương công bố điểm bán tuyên truyền về Điểm bán hàng Việt.

Sa Thầy đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng hàng Việt Nam. Ảnh: V.T

 

Chị Trần Thị Thu Yến – Chủ cửa hàng tạp hóa Yến Nhỏ, Điểm bán hàng Việt Nam thị trấn Sa Thầy cho biết: Tôi rất vui và tự hào khi cửa hàng của mình được lựa chọn làm Điểm bán hàng Việt tại huyện Sa Thầy. Tôi luôn đặt vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm lên hàng đầu và cố gắng đáp ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân, đồng thời đảm bảo phong phú về mẫu mã các sản phẩm, bình ổn giá bán. Cùng với đó, tôi sẽ ưu tiên lựa chọn các mặt hàng made in Việt Nam, có tem, nhãn mác rõ ràng, để người tiêu dùng yên tâm chọn lựa

Đến tham quan và tìm hiểu Điểm bán hàng của chị Yến, chúng tôi nhận thấy điểm bán hàng có không gian rộng rãi; trưng bày, giới thiệu, quảng bá các mặt hàng  nông sản đặc trưng của địa phương: Măng khô, vú sữa hoàng kim, bưởi da xanh, quýt đường, cà phê, và các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày trong nước sản xuất, có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm với giá cả hợp lý, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, chất lượng, đảm bảo góp phần bình ổn giá trên thị trường.

Chị Vũ Thị Lương – thôn 1, thị trấn Sa Thầy cho biết: Hàng hóa ở đây rất đa dạng, nguồn gốc rõ ràng, hàng Việt Nam, bà con nên dùng hàng Việt Nam vì hàng Việt không thua kém gì hàng nước ngoài. Người dân chúng tôi rất lo những điểm bán hàng tồn, hoặc là hàng hết hạn sử dụng. Tôi mong muốn có những điểm bán hàng Việt như thế này để người dân chúng tôi yên tâm đến đây mua sắm những mặt hàng tiêu dùng hằng ngày.

Điểm bán hàng Việt Nam tại thị trấn Sa Thầy. Ảnh: VT

 

Có thể thấy, việc người Việt Nam dùng hàng Việt Nam không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, mà còn thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, hình thành thói quen mua sắm hàng Việt trong tiêu dùng. Tuy nhiên, để người Việt thật sự tin, ủng hộ hàng Việt cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Do đó, ngành Công thương đang nỗ lực đưa ra những giải pháp phù hợp với tình hình mới, phát huy hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” qua các Điểm bán hàng Việt.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong thời gian đến để tiếp tục triển khai các điểm bán hàng Việt, cũng như đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công thương sẽ đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ kinh phí và từ nguồn xúc tiến thương mại của địa phương sẽ tiếp tục triển khai trên địa bàn tỉnh tại một số huyện chưa có Điểm bán hàng Việt, cũng như tiếp tục đẩy mạnh công tác đưa hàng Việt về nông thôn, từ đó nhân rộng mô hình Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi tự “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”.        

Văn Tùng

Chuyên mục khác