03/08/2024 13:58
Cầm trên tay chai mật ong rừng đặc sánh, chị Y Nga, xã Kon Đào cho biết: Mật ong này bà con DTTS lấy trong rừng về, nên chất lượng. Sau khi lấy tổ ong đem về nhà, bà con đem vắt lấy mật để dùng và đăng ký sản phẩm OCOP. Mật ong nguyên chất lấy từ rừng về thì không thể trộn với bất cứ chất gì vào được cả, bởi nếu trộn vào sẽ không bảo quản được, mật ong dễ bị hư. Còn các mặt hàng như trà sâm dây, sâm dây khô, trà khổ qua rừng, trà thảo dược, mắc ca sấy, cà phê rang xay được các cơ sở, HTX trên địa bàn huyện chế biến đều đảm bảo chất lượng, giá thành hợp với túi tiền của bà con, nên ai cũng ưa dùng.
Chị Nguyễn Thị Loan trú tại xã Tân Cảnh là khách hàng thường xuyên mua sản phẩm của HTX Ông Tiến Food tâm sự: Tôi rất thích dùng thịt heo rim, thịt bò rim của Ông Tiến vì nó thơm ngon, dai dai, cay nồng, rất mặn mòi mỗi khi ăn với cơm trắng gạo Đăk Tô.
|
Ông Trần Văn Tiến- Giám đốc HTX Ông Tiến Food, trú tại thôn 5, xã Tân Cảnh, kể: Từ khi thành lập đến nay, HTX luôn ghi nhớ phương châm hoạt động của mình là mang đặc sản địa phương như thịt heo rim, thịt bò rim, bánh dứa đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Thực tế bán hàng qua fanpage và trên sàn thương mại điện tử, cho thấy các sản phẩm của HTX không những được người tiêu dùng ở huyện ưa dùng, mà còn được người tiêu dùng ở Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác trong nước tin cậy. Đặc biệt, cứ mỗi mùa tết đến, người tiêu dùng trong và ngoài huyện thường hay mua các sản phẩm của HTX để làm quà tặng.
Ông Lê Thành Thọ- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Thực hiện Quyết định số 1392/QĐ-UBND, ngày 12/12/2018 của UBND tỉnh về triển khai Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), UBND huyện tập trung chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt, với mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở địa phương. Trong đó, các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể tổ chức thực hiện để sản xuất các sản phẩm truyền thống, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Cụ thể, UBND huyện giao các đơn vị chuyên môn của huyện trực tiếp phân công cán bộ phụ trách hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tập trung cải thiện, bổ sung, đảm bảo chất lượng, hoàn thiện sản phẩm OCOP; giúp các chủ thể đẩy mạnh công tác quảng bá, tạo thương hiệu riêng cho mỗi sản phẩm, thị trường tiêu thụ. Các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ chi tiết các chủ thể hoàn thiện thủ tục đề nghị Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản tỉnh cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã bao bì, mã số, mã vạch, tem nhãn.
|
UBND huyện chủ động lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án để hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP đầu tư nhà xưởng, nâng cấp dây chuyền chế biến sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm. Trong đó, HTX Nông nghiệp, Dịch vụ và Thương mại Rạng Đông liên kết với các hộ dân trồng 63ha cà phê vối và HTX Đức Dung liên kết với các hộ dân trồng 32 ha cà phê vối, tất cả đều theo tiêu chuẩn VietGAP; HTX Mắc ca Nhân Hòa trồng 10ha mắc ca đạt chuẩn hữu cơ; HTX Nông nghiệp dịch vụ Minh Quân trồng hơn 30ha nghệ và gừng; Công ty Cổ phần Dương Gia Kon Tum trồng trên 700ha mắc ca. Ngoài ra, hỗ trợ nâng cấp dây chuyền máy móc, thiết bị sơ chế, chế biến sản phẩm OCOP; tham gia các hội thảo, hội chợ trưng bày, xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Đến nay, toàn huyện Đăk Tô có 21 sản phẩm của 15 chủ thể được cấp thẩm quyền công nhận sản phẩm đạt 3 sao theo OCOP. Theo đó, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã các mặt hàng, nên sản xuất kinh doanh của các cơ sở doanh nghiệp, HTX ngày càng phát triển, mở rộng quy mô.
Ông Lê Thành Thọ cho biết thêm: Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có trên 30 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, hướng tới thực hiện liên kết chuỗi giá trị bền vững gắn sản xuất với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, xác định sản xuất theo vùng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hướng an toàn thực phẩm, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm với doanh nghiệp, HTX có tiềm năng, từng bước đáp ứng mã số vùng trồng để các sản phẩm OCOP nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Hà Nguyên