12/06/2020 06:01
Ngay khi giãn cách xã hội được nới lỏng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp T.N khởi động hành trình tái sản xuất kinh doanh bằng loạt cuộc gọi tới các đối tác để đàm phán nối lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy bởi dịch bệnh Covid- 19.
Hợp tác xã nông nghiệp T.N từng được biết đến với vai trò tiên phong trong sản xuất và cung ứng rau củ, trái cây theo hướng an toàn. Sau thời gian đầu chật vật, hợp tác xã bắt đầu làm ăn có lãi, tìm được chỗ đứng trên thị trường vốn đầy tính cạnh tranh. Sản phẩm của hợp tác xã được nhiều trường học tin tưởng, sử dụng trong bếp ăn bán trú; xuất bán ra một số thị trường ngoài tỉnh.
Nhưng dịch bệnh Covid- 19 ào tới, suýt phá hủy tất cả những gì chúng tôi dày công gây dựng. Trường học đóng cửa để phòng chống dịch bệnh, học sinh không đến trường nên các bếp ăn bán trú cũng đóng cửa, đồng nghĩa với phần lớn sản phẩm không có đầu ra- Giám đốc Hợp tác xã T.N mệt mỏi nói.
|
Không chỉ đứt gãy chuỗi cung ứng cho trường học, do thực hiện cách ly xã hội, sản lượng tiêu thụ ở các điểm bán lẻ của hợp tác xã giảm mạnh; thị trường ngoài tỉnh cũng “đóng băng”. Những ngày này, thương hiệu cũng không giúp được gì nhiều, khi mà nỗi lo lắng bởi dịch bệnh gần như chiếm trọn tâm trí mọi người. Có ngày, doanh số bán hàng chỉ bằng 10% so với trước, doanh thu chỉ đủ cầm cự; đã có thành viên nản chí muốn rời đi.
Chắc chắn một điều rằng, đây không phải là hợp tác xã nông nghiệp duy nhất ở tỉnh Kon Tum phải đương đầu với những ngày tháng vô cùng gian nan bởi dịch bệnh Covid- 19.
Theo số liệu mới nhất của UBND tỉnh (Báo cáo số 143/BC-UBND ngày 30/5), toàn tỉnh hiện có 84 hợp tác xã nông nghiệp (hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012), hầu hết đều bị ảnh hưởng bởi Covid- 19, hoạt động cầm chừng, giảm quy mô. Trong đó có 21 hợp tác xã bị ảnh hưởng nặng nề, với doanh thu bình quân trong quý 1, 2/2020 đều đạt thấp, chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019; thu nhập bình quân của thành viên chỉ đạt khoảng 2-3 triệu đồng/người/tháng.
Khảo sát của Liên minh Hợp tác xã tỉnh cũng cho thấy, bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các hợp tác xã hoạt động trong mảng sản xuất, kinh doanh cà phê và rau, củ, quả. Đối với mặt hàng cà phê bột, sản lượng tiêu thụ qua hệ thống các quán cà phê, giải khát, hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán lẻ giảm tới 60% so với cùng kỳ năm trước; đối với sản phẩm cà phê nhân, sản lượng tiêu thụ giảm khoảng 40%, giá bán cũng giảm khoảng 20-30%.
Đối với mặt hàng rau, củ, quả, việc cung cấp sản phẩm qua các bếp ăn bán trú không thực hiện được do các trường học cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch bệnh; mức tiêu thụ sản phẩm qua các điểm bán hàng cũng giảm đáng kể, ước tính sản lượng tiêu thụ cũng giảm 60-70% so với cùng kỳ.
|
Tuy nhiên, cũng chính trong gian khó mới thấy được sức sống bền bỉ và mãnh liệt của các hợp tác xã nông nghiệp. Không có chỗ cho sự bi quan, chán nản, dù đang phải vật lộn với khó khăn riêng, mà thay vào đó, ở mỗi hợp tác xã đều thấy được niềm tin về sức bật mới sau dịch bệnh.
Trong khó khăn chung, chúng tôi phải tìm cách tồn tại và đứng dậy bằng sản phẩm mới, cách làm mới. Đây có thể là một cuộc sàng lọc lớn để khi cơn bão Covid-19 qua, những hợp tác xã có tiềm lực sẽ trụ lại và mạnh mẽ hơn- anh Lê Ngọc Khanh, Giám đốc Hợp tác xã Cựu quân nhân Đăk Hring (huyện Đăk Hà) nói.
Là hợp tác xã chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm nấm được thành lập năm 2013, với hướng đi đúng, sách lược phát triển khôn khéo và phù hợp, sẵn sàng liên kết để tạo thành mạng lưới ổn định từ sản xuất đến tiêu thụ, hợp tác xã nhanh chóng tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, sản phẩm nấm tạo được thương hiệu riêng, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành.
Trong thời gian dịch bệnh, chúng tôi quyết định điều chỉnh hướng sản xuất với việc thu hẹp dần và chấm dứt chuyện cung ứng phôi nấm. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về đất đai để mở rộng nhà xưởng, hợp tác xã nâng cao năng lực sản xuất một số loại nấm có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường, như nấm bào ngư, nấm sò; nghiên cứu mở rộng mạng lưới bán lẻ trên thị trường nội tỉnh, thay vì xuất ra thị trường bên ngoài…
Do chủ động được từ nguồn giống, kỹ thuật đến tiêu thụ, nên thời gian qua mặc cho dịch bệnh và giá cả thị trường nhiều biến động, nhưng hợp tác xã vẫn thực hiện đúng cam kết ổn định giá và bảo đảm nguồn cung ra thị trường. Hiện nay sản lượng nấm làm ra không đủ để cung cấp cho các đầu mối trong tỉnh.
|
Không chỉ có Hợp tác xã Cựu quân nhân Đăk Hring, đến nay, khi dịch bệnh Covid- 19 được kiểm soát, đã có thể nhận diện được hàng loạt hợp tác xã nông nghiệp đứng vững và bắt đầu trỗi dậy, tiếp tục triển khai nhiều mô hình liên doanh, liên kết thể hiện sức sống mãnh liệt. Có thể "điểm danh" một số "tên tuổi", như Sáu Nhung, Thần Nông, Hợp Thành, Hải Tình, Tuyết Sơn, Công bằng Pô Kô…
Dịch bệnh Covid- 19 có những tác động tiêu cực cho các hợp tác xã nông nghiệp, nhưng đây cũng được coi là cơ hội để tái cơ cấu sản xuất theo chuỗi khép kín, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất- ông Nguyễn Trí Sáu, Giám đốc Hợp tác xã Sáu Nhung nhận định.
Để giảm thiểu tác động xấu của tình hình dịch bệnh đến sản xuất, kinh doanh, một số hợp tác xã đã chủ động triển khai các giải pháp, sáng kiến phù hợp, như thay đổi phương thức cung ứng (bằng cách tăng cường bán lẻ giao hàng tận nhà, bán hàng qua mạng); chủ động giảm giá sản phẩm để kích thích tiêu dùng, chấp nhận không lãi với mục đích tiêu thụ được hàng cho nông dân và quảng bá hàng hóa, thu hút khách hàng lâu dài. Một số hợp tác xã khác chủ động giảm sản lượng, hoặc chỉ sản xuất các mặt hàng chất lượng ở nhóm tốt nhất, tăng lượng hàng đưa vào chế biến và bảo quản.
Về lâu dài, chúng tôi chủ động tái cơ cấu sản phẩm và định hướng lại đầu tư, sản xuất kinh doanh. Ví dụ như xây dựng lại quy trình sản xuất, đăng ký nhãn mác chất lượng sản phẩm; chuyển giao kỹ thuật cho nông dân theo hướng sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem, nhãn chất lượng- đại diện một hợp tác xã cho biết.
Tất nhiên, trong hành trình trỗi dậy ấy, các hợp tác xã nông nghiệp không hề đơn độc, mà luôn có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ các cấp, các ngành. Theo đó, các hợp tác được hỗ trợ tiếp cận vốn vay tại các tổ chức tín dụng, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã với lãi suất ưu đãi; giãn lãi suất; tạo kết nối phát triển thị trường nội bộ trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia các dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị…
Hiện vẫn còn sớm để có thể đánh giá được khi nào dịch bệnh sẽ kết thúc, do đó, để thích ứng với tình hình, theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh, trong thời gian các hợp tác xã nông nghiệp cần tăng cường tiêu thụ nội địa, phục vụ thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận; chuyển sang sản xuất các sản phẩm có lợi thế địa phương, điều chỉnh cơ cấu sản xuất gắn với thị trường, nâng cao tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu. Ngoài ra, chủ động tìm kiếm thị trường đối với các mặt hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; chỉ sản xuất các mặt hàng có sức tiêu thụ tốt, đầu ra thuận lợi.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại phục vụ hoạt động xuất khẩu nông sản; đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm chi phí vận chuyển cho các mặt hàng của hợp tác xã. Đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Cơ hội luôn đi cùng với thách thức. Dám đương đầu với rủi ro, hướng tới mục tiêu phát triển thay vì ngồi yên và than thở là cách thức đem lại sự trỗi dậy cho các hợp tác xã nông nghiệp.
Hồng Lam