Xứng đáng với sự tin yêu của dân làng

16/07/2018 07:04

Từ chỗ chỉ trồng mì, trồng lúa năng suất thấp, đến nay, hơn 50% số hộ gia đình ở thôn Plei Trum Đăk Choăh - thôn đặc biệt khó khăn của phường Ngô Mây (thành phố Kon Tum) đã chuyển đổi trồng cao su và chăn nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đạt được kết quả đó có sự đóng góp tích cực của ông A Mai, người thôn trưởng mẫu mực, đi đầu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đến thôn Plei Trum Đăk Choăh, chúng tôi không khó để tìm nhà ông A Mai - người có đến 16 năm giữ chức thôn trưởng nơi đây. 

Anh A Liêu đứng ở đầu thôn chỉ đường: Cứ đến căn nhà nào to nhất, đẹp nhất ở làng này là nhà của thôn trưởng A Mai đấy.

“Ở làng này, ông ấy giỏi lắm, đặc biệt là làm kinh tế thì không ai sánh bằng…” - A Liêu “bật mí” thêm.

Men theo con đường bê tông dẫn vào thôn, ngôi nhà A Mai nằm cạnh nhà rông của làng. Vừa ra chào khách, thôn trưởng A Mai vừa thổ lộ: Tôi định sang làng Plei Trum ở bên kia cầu treo (thôn Plei Trum Đăk Choăh có 2 làng Plei Trum và Đăk Choăh - PV) báo với già làng bên ấy việc họp dân chuẩn bị mặt bằng, sang năm 2019, Nhà nước có kế hoạch đầu tư tuyến đường bên ấy.

Thôn trưởng A Mai chuẩn bị cây giống cà phê để trồng thử nghiệm

 

- Năm 2019 mới làm đường mà giờ đã chuẩn bị rồi sao? - Tôi hỏi.

Thôn trưởng A Mai trả lời: Phải họp dân và báo cho bà con biết trước chủ trương của Nhà nước để còn canh đường, cắm cọc, tránh trường hợp bà con không biết lại trồng cây cối, hoa màu lên phần đất có đường đi qua dẫn đến khó khăn trong công tác vận động dân hiến đất làm đường sau này. Từ năm 2014 đến nay, thôn Plei Tum Đăk Choăh đã được Nhà nước đầu tư làm được 5 tuyến đường, tôi đều phải làm trước một bước như thế này…

Nhờ cách làm này của thôn trưởng A Mai mà hầu hết các tuyến đường Nhà nước hỗ trợ bê tông hóa trên địa bàn thôn đều được thi công và hoàn thành khá nhanh chóng.

Nghe chúng tôi trầm trồ về ngôi nhà xây khang trang của mình, A Mai kể: Ngày chưa lấy vợ, ở làng, tôi siêng năng, chăm chỉ lắm. Nhờ có sức khỏe nên khai phá được bao nhiêu đất ven sông suối tôi đều trồng lúa. Từ năm 1995, tôi đã học hỏi theo cách làm của người Kinh, chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang trồng mì để nâng cao thu nhập. Sau khi lập gia đình, tôi đã dành số tiền dành dụm được để xây căn nhà này.

Năm 1997, A Mai quyết định chuyển đổi 2ha đất trồng mì bạc màu sang trồng cao su với hy vọng tăng thu nhập cho gia đình. Là người đi đầu ở thôn trong việc chuyển đổi trồng cao su, A Mai cho biết thời gian đầu lo lắm. Thế nhưng với suy nghĩ, một khi đã quyết tâm thì phải cố gắng làm cho bằng được, nên ông đã chịu khó đi học tập kinh nghiệm từ những người trồng cao su ở khu vực gần đó.

7 năm sau, 2ha cao su đến kỳ thu hoạch mang lại thu nhập cho gia đình A Mai cao hơn nhiều lần so với trồng mì, trồng lúa. Cuộc sống của gia đình ông càng ngày càng khấm khá hơn.

Từ năm 2006, A Mai tiếp tục chuyển dần diện tích đất trồng mì sang trồng cao su. Đến nay, gia đình A Mai đã trồng được 5ha cao su và đang chuẩn bị trồng thêm 5 sào cà phê.

Ngoài trồng cao su, A Mai còn trồng 4 sào lúa 2 vụ; đầu tư nuôi chục con bò để lấy sức kéo và lấy phân chuồng bón cho cây trồng.

Ở làng, những hộ gia đình có ý chí vươn lên đều học hỏi cách làm ăn của thôn trưởng A Mai. Với những hộ gia đình chưa biết cách làm ăn, bản thân A Mai cũng đứng ra tuyên truyền, giúp đỡ bà con học cách chăn nuôi, trồng và chăm sóc cây cao su.

Nhiều gia đình nhờ học theo A Mai đến nay đã trở thành hộ làm kinh tế giỏi như A Hoih, A Than đã phát triển được 4ha cao su; A Bưh phát triển 3ha cao su và 1ha lúa ruộng; A Linh phát triển được 4ha cao su và mô hình chăn nuôi heo; A Chuối phát triển được 4ha cao su và mô hình nuôi bò.

 Theo thống kê của thôn trưởng A Mai, đến nay, hơn 50% số hộ trong thôn đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng; trong đó riêng làng Đăk Choăh gần 100% số hộ đã chuyển đổi trồng cao su.

Mặc dù những năm gần đây, Plei Trum Đăk Choăh có bước phát triển nhưng với đặc thù thôn có 2 làng (làng Plei Trum 100% dân số là đồng bào Ba Na, làng Đăk Choăh 100% dân số là đồng bào Jẻ) sinh sống theo cụm dân cư tách biệt về địa hình nên có sự chênh lệch lớn về nhận thức, trình độ phát triển kinh tế. Hiện, cả thôn còn 36% hộ nghèo, tập trung chủ yếu ở làng Plei Trum.

Xác định công tác tuyên truyền, vận động là quan trọng và cần thiết để nâng cao nhận thức cho bà con trong công tác giảm nghèo, ngoài tiếng Jẻ của mình, thôn trưởng A Mai còn chịu khó học thêm tiếng Ba Na để hiểu và gần gũi với bà con dân làng.

Bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con thông qua các buổi chào cờ vào sáng thứ 2 hàng tuần tại nhà rông, A Mai còn thường xuyên xuống các làng để thăm hỏi, động viên tinh thần các hộ dân.

Đến nay, bà con dân làng Plei Trum cũng từng bước thay đổi nhận thức; một số hộ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Điều đặc biệt, dù là thôn đặc biệt khó khăn nhưng Plei Trum Đăk Choăh không có tình trạng trẻ em đến tuổi đến trường bỏ học, nghỉ học; vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

A Mai nói: Nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được chi bộ và ban nhân dân thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con nhân dân vào buổi chào cờ sáng thứ 2 hàng tuần. Tuy nhiên, để bà con nghe theo, làm theo thì bản thân những người đứng đầu thôn phải luôn gương mẫu, đi đầu.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác