Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

29/09/2014 09:46

Những năm qua, thành phố Kon Tum có nhiều hoạt động thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong đó, có những việc làm dù nhỏ, nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt cho mỗi gia đình và toàn thành phố.

Hoạt động kể chuyện về tấm gương đạo đức của Người trong mỗi buổi chào cờ hằng tuần ở các cơ quan, làng đồng bào DTTS là một nét đẹp, được thành phố Kon Tum duy trì đều đặn trong suốt 5 năm qua và đã góp phần mang lại hiệu ứng tích cực trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức và hành động của mỗi người, mỗi nhà. Phong trào này được khởi xướng từ năm 2009, khi đó, vào mỗi sáng thứ hai, trong buổi chào cờ đầu tuần, Ban Tuyên giáo Thành ủy Kon Tum lựa chọn 1 hoặc 2 câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh để kể hoặc đọc cho cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị của thành phố nghe và cùng thảo luận. Hàng tháng, Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng sưu tầm từ 4 đến 5 câu chuyện gửi xuống các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, sau đó các xã, phường khai thác các câu chuyện này phù hợp với đặc điểm của địa phương mình để tiếp tục kể vào các buổi chào cờ đầu tuần ở các làng đồng bào DTTS. Tiêu biểu như ở thôn Kon Tum Kơpơng (phường Thắng Lợi), mỗi sáng thứ hai, Ban nhân dân thôn lựa chọn kể những mẩu chuyện phù hợp với đời sống và sinh hoạt hàng ngày của bà con DTTS trong thôn để toàn thể nhân dân học tập và noi theo. Từ những câu chuyện như “Thời gian quí báu lắm”, bà con trong thôn đã biết tiết kiệm thời gian trong công việc của làng, không vì việc đi trễ của mình mà làm ảnh hưởng đến nhiều người trong các buổi hội họp, sinh hoạt ở khu dân cư. Từ câu chuyện “Những ngày thơ ấu hạnh phúc”, khi ăn phải vét sạch cơm trong bát của Bác, Chi hội Phụ nữ thôn đã xây dựng mô hình “Hũ gạo tình thương”, theo đó mỗi gia đình khi nấu cơm sẽ tiết kiệm một nắm gạo để giúp đỡ những người khó khăn trong thôn. Bình quân mỗi năm Hũ gạo tiết kiệm của thôn đã giúp đỡ từ 5 -10 gia đình khó khăn trong những lúc giáp hạt, khi lễ tết...

Người dân các làng đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum treo ảnh Bác và khắc ghi những lời dạy của Bác. Ảnh: T.H

Thông qua những câu chuyện kể rất ngắn gọn về Bác với những việc làm cụ thể, gần gũi, người dân có thể học tập và làm theo rất dễ dàng trong cuộc sống hàng ngày. Theo đó, bà con biết quý trọng và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, chăm lo lao động, sản xuất, biết áp dụng tiến bộ KHKT để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; từng bước học tập và thực hiện ăn ở hợp vệ sinh; tập thể dục để rèn luyện sức khỏe; biết giúp đỡ nhau trong cuộc sống; biết tiết kiệm thời gian, hạn chế việc ăn nhậu say xỉn dẫn đến quậy phá, đánh nhau; không nghe theo lời những kẻ xấu xúi giục, gây mất đoàn kết dân tộc…

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu lại chọn xây dựng mô hình “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá là động lực nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS”. Mô hình này đã được nhà trường đưa vào phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”. Theo đó, nhà trường đã chủ động lồng ghép giáo dục tư tưởng tình cảm về nét đẹp trong bản sắc văn hóa đồng bào DTTS Kon Tum qua các tiết học chính khoá để giúp học sinh nâng cao nhận thức; đưa việc dạy những tiết mục dân ca, dân vũ, cồng chiêng, múa xoang vào các tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp. Đồng thời, nhà trường cũng đã vận động cha mẹ học sinh mua sắm trang phục dân tộc cho con em để các em mặc đến trường, từ đó các em thấy tự hào hơn về trang phục, bản sắc văn hóa của dân tộc mình, quyết tâm bảo vệ những nét văn hóa truyền thống ấy. Nhà trường cũng đã xây dựng được Đội cồng chiêng, múa xoang và đội cồng chiêng, múa xoang của nhà trường đã thường xuyên được đại diện cho ngành Giáo dục thành phố tham gia các hội thi của tỉnh. Từ việc làm đó, không chỉ giúp học sinh và cha mẹ học sinh nâng cao ý thức, mà còn động viên, khơi dậy nỗ lực của các giáo viên trong việc truyền dạy, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá hoá cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng.

Câu chuyện về việc người dân tích cực góp công, góp của để xây dựng hội trường và bê tông đường hẻm của Tổ dân phố 9 (phường Duy Tân) cũng là một trong những nét đẹp về ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự giác trong xây dựng cộng đồng dân cư tiến bộ, văn hóa. Theo đó, Chi bộ và Ban công tác Mặt trận, các đoàn thể xã hội của tổ xác định muốn xây dựng được khu dân cư văn hóa tiêu biểu thì hạ tầng cơ sở phải đảm bảo như nhà sinh hoạt văn hóa ở khu dân cư, đường xá phải được cải thiện. Tuy nhiên, nếu cứ trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước thì khó có thể làm được, mà cần có sự góp sức của nhân dân. Với việc tuyên truyền, vận động và giải thích thấu tình đạt lý mọi mặt của các cán bộ trong tổ, người dân trong tổ đã tự nguyện, tự giác đóng góp công sức, tiền của để xây dựng hội trường tổ dân phố với diện tích 120m2, bê tông hóa 10 con đường có chiều dài 1030m, với tổng số tiền nhân dân đóng góp lên tới hơn 500 triệu đồng và 124 ngày công lao động... Hội trường và các con đường không chỉ giúp cho bộ mặt của Tổ dân phố 9 khang trang, đẹp đẽ hơn, mà còn phục vụ chính đời sống người dân...

Theo đánh giá của Thành ủy Kon Tum, đến nay, trên địa bàn thành phố có khoảng hơn một trăm mô hình, việc làm hay trong làm theo lời Bác. Ở mỗi địa phương, mỗi đơn vị có những cách làm khác nhau, nhưng những việc làm này đã thực sự góp phần đưa Cuộc vận động “Học tập và làm theo lời Bác” đi sâu vào đời sống, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người; qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn thành phố.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác