Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân tài và thu hút trọng dụng nhân tài

18/08/2019 13:14

Trong quá trình phát triển của lịch sử nước ta, vấn đề nhân tài không phải là cái bất biến, mà luôn phát triển qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Tuy nhiên, quan niệm nhân tài qua các giai đoạn lịch sử khác nhau lại có nét tương đồng là: Nhân tài đều là những người tích hợp trong mình những giá trị của truyền thống, hiện đại và tiếp tục phát triển trên cơ sở đó.

Thực ra việc quan niệm và phát hiện tiến cử trọng dụng nhân tài không phải là vấn đề mới, ngày xưa cha ông ta đã làm và quan niệm khác nhau để nói về nhân tài, như tài năng, tài hoa, tài trí, hiền tài. Người có tài năng là những người có học vấn và năng lực; người tài hoa là người có khiếu nghệ thuật bộc lộ ra ngoài; người tài trí là người có tài năng thiên về mặt trí tuệ… và gọi chung là: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

Dưới chính thể mới, chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngay từ khi bắt đầu xây dựng chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng việc tìm kiếm, tiến cử và trọng dụng nhân tài. Người cho rằng nhân tài không thiếu trong dân chúng, chỉ e Chính phủ không nghe đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Người quan niệm rằng nhân tài là người có năng lực, ai có năng lực nổi trội hơn thì có tài, vì thế theo Bác nhân tài không chỉ giới hạn ở những nhân sỹ, trí thức có tài cao học rộng mà còn là những người có năng lực tiềm ẩn trong nhân dân để phục vụ sự nghiệp chung. Chữ tài trong khái niệm nhân tài của Bác cần được hiểu theo nghĩa rộng là: Tài không chỉ nói về năng lực trí tuệ vượt trội mà còn bao hàm cả phẩm chất đạo đức trong sáng, đạo đức trong sáng đó không chỉ là thương người, thương dân, không nhũng nhiễu, tham ô hối lộ... mà còn có dũng khí, dám xả thân vì nghĩa lớn, vì lợi ích của đất nước, lợi ích của nhân dân.

Như vậy, nhân tài bao gồm ba yếu tố cơ bản, nhân - trí - dũng, nếu không có trí tuệ và tài năng vượt trội thì không thể là nhân tài, nhưng nếu có tài năng vượt trội mà không có hai yếu tố nhân và dũng thì cũng không được xem là nhân tài. Bác Hồ đã từng nói rằng: Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó. Người cũng cho rằng phát hiện nhân tài không chỉ qua việc đào tạo ở trường, hay tuyển chọn qua thi cử, bằng cấp mà còn phải tìm trong trong nhân dân. Từ đó, Người quan niệm rất giản dị về nhân tài, rằng nhân tài chính là người có năng lực, nhân tài ở trong quần chúng nhân dân, nhân tài là cần phải được thừa nhận trên thực tế không phải ở dạng tiềm năng, họ phải thực tế góp phần vào việc phát triển xã hội…

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng việc tìm kiếm, tiến cử và trọng dụng nhân tài. Ảnh tư liệu

 

Những tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, đang được Đảng và Nhà nước ta kế thừa và phát huy. Chủ trương đó của Đảng đang từng bước được luật hóa để đảm bảo thực hiện. Luật Cán bộ công chức đang được tiến hành sửa đổi, bổ sung cần được cụ thể hóa thêm về chính sách đối với nhân tài, đây là điều hết sức cần thiết.

Dự thảo Luật Cán bộ công chức lần này cũng đã thể hiện được những nội dung quan trọng của vấn đề này như: Nhà nước có chính sách phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Chính phủ quy định chi tiết khung cơ chế, chính sách phát hiện thu hút trọng dụng và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Căn cứ vào quy định của Chính phủ, người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ công chức, quy định chế độ sử dụng, đãi ngộ người có tài năng, áp dụng trong cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Tuy nhiên, các quy định trên chưa thể hiện rõ thế nào là nhân tài và cũng chỉ mới đề cập đến nhân tài trong hoạt động công vụ mà thôi, nhân tài còn lại trong các lĩnh vực khác trong hoạt động khoa học công nghệ, trong giáo dục đào tạo ... thì chính sách thu hút đãi ngộ như thế nào? Chúng ta biết rằng, nhân tài là một thuật ngữ được sử dụng rất nhiều trong xã hội và cũng đang có nhiều quan niệm khác nhau về nhân tài. Nhưng trên thực tế đến nay vẫn chưa có văn bản nào của Đảng và Nhà nước có xác định rõ ràng, thống nhất về khái niệm nhân tài. Bởi vậy, việc xây dụng một khái niệm chung về nhân tài trên cơ sở quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân tài là rất cần thiết.

Thiết nghĩ sửa đối, bổ sung luật lần này cần có khái niệm về nhân tài, để luật hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như nêu rõ phương thức phát hiện, tiến cử nhân tài, không chỉ trong hoạt động công vụ mà còn trong các lĩnh vực khác của cả hệ thống chính trị.

Tô Văn Tám

Chuyên mục khác