Thương dân là phải biết sống vừa đủ và gần dân

03/06/2024 13:11

Tôi xúc động khi đọc câu chuyện về Bác Hồ “Thương dân là phải biết sống vừa đủ và gần dân” trong cuốn “Bác Hồ tấm gương nhân ái, thương dân” của Nhà Xuất bản văn hóa dân tộc. Câu chuyện là bài học quý báu cho mỗi cán bộ, đảng viên trong thời đại ngày nay, nhất là khi “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng ta tiếp tục đẩy mạnh.

Chuyện kể rằng, sau kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Các đồng chí Văn phòng  bố trí cho Bác ở và làm việc tại ngôi nhà sang trọng trước kia là Phủ Toàn quyền Đông Dương.

 Biết vậy, Bác từ chối và nói: “Hãy dành ngôi nhà đó để làm nơi tiếp khách và hội họp của Nhà nước. Bác có một mình, ở ngôi nhà đó làm gì? Sau đó, Bác đã tự chọn ngôi nhà nhỏ của một người phục vụ Phủ Toàn quyền trước kia để ở và làm việc.

Thấy ngôi nhà đó vừa nhỏ vừa cũ kỹ lại rất nóng, nhiều lần các đồng chí ở Văn phòng đề nghị Bác cho xây một ngôi nhà khác nhưng Bác đều không đồng ý.

Bác Hồ thăm, trò chuyện với cán bộ và nhân dân Hợp tác xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội ngày 31/1/1965. Ảnh TL

 

Một lần Bác đi Việt Bắc để chuẩn bị sang Trung Quốc dự lễ kỷ niệm ngày thành lập Khu tự trị dân tộc Choang-Quảng Tây, khi xe đi ngang qua các bản của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, có những ngôi nhà sàn gợi cho Bác nhớ lại nhiều kỷ niệm thời hoạt động bí mật trước Cách mạng tháng Tám (1945) và kháng chiến chống Pháp. Khi ấy, Bác đã nói: “Mấy lần các chú đề nghị xây nhà cho Bác, lần này Bác đồng ý nhưng hãy làm cho Bác một ngôi nhà nhỏ kiểu của đồng bào thôi”.

Được Bác cho phép, các đồng chí ở Văn phòng phấn khởi báo cáo với Trung ương và chọn người thiết kế ngay. Khi xem thiết kế, Bác tự tay sửa cho quy mô nhỏ lại, chỉ còn 2 phòng và nêu thêm 3 yêu cầu: Một là làm bằng gỗ nhóm 4, không làm gỗ quá tốt, vì gỗ tốt còn phải để dành xây dựng trường học và xuất khẩu; hai là chọn một chỗ đất trống sát bên hồ; ba là không được chặt cây và không làm đường lớn.

Thấy ngôi nhà quá nhỏ, anh chị em Văn phòng nằn nì xin Bác cho làm như bản thiết kế cũ, Bác cảm ơn và ân cần nói: “Nhà làm chỉ cần đủ ở. Bác có một mình làm nhà to để làm gì? Trong lúc này, cái cần xây dựng là đất nước, người cần quan tâm là nhân dân”.

Ngôi nhà sàn tại Khu di tích Phủ Chủ tịch ở Hà Nội hiện nay mọi người vẫn thường đến tham quan chính là ngôi nhà được thực hiện theo ý của Bác. Ngôi nhà sàn của Bác giữa lòng Thủ đô Hà Nội không chỉ thể hiện đức tính giản dị, khiêm tốn, mà còn thể hiện sự gắn bó giữa Bác với đồng bào dân tộc, đặc biệt là bà con vùng Chiến khu Việt Bắc.

Trong thời đại ngày nay, nhiều người hay đặt câu hỏi: Sống vừa đủ là sống như thế nào? Hạn mức như thế nào để biết là đủ và như thế nào là vừa đủ?

Trả lời cho câu hỏi này, có người cho rằng, khi ta biết đủ thì là đủ, khi ta biết vừa đủ là vừa đủ. Câu trả lời này cũng là đúng nhưng chưa đủ đối với một người cán bộ. Bởi với người cán bộ, khái niệm đủ và vừa đủ không chỉ có căn cứ vào nhu cầu của bản thân mình mà phải có một chuẩn mực nhất định. Chuẩn mực ấy phải dựa vào dân. Sẽ rất nghịch lý ở chỗ, nếu cuộc sống người dân còn quá nghèo khó mà lãnh đạo thì toàn ở nhà cao cửa rộng, cuộc sống xa hoa, xa rời nhân dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: VOV

 

Câu chuyện của Bác khiến ta suy ngẫm đến hai chữ “danh” và “lợi” của người cán bộ trong thời đại ngày nay. Bác nói: “Cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân”, mà đã gọi là “đầy tớ” thì phải gần gũi, chăm lo cho cuộc sống của nhân dân; không thể lợi dụng mình là cán bộ để đặt danh và lợi lên đầu, mưu cầu những điều tốt đẹp nhất cho bản thân mình.

Ấy thế mà, ngày nay, cũng vì “danh” và “lợi”, nhiều cán bộ đã đánh mất chính mình là điều rất đáng buồn.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập; cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, 24.162 đảng viên (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022).

Trong công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi xử lý tài chính gần 219.000 tỷ đồng (tăng gần gấp 3 lần so với năm 2022), kiến nghị xử lý hành chính 7.524 tập thể, 7.944 cá nhân; phát hiện chuyển đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật 660 vụ việc có dấu hiệu phạm tội (tăng 18% so với năm 2022).

Mỗi người dân khi nghe đến xử lý kỷ luật cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao, vì tội tham ô, tham nhũng đều rất đau lòng. Điều khiến nhiều người suy ngẫm nhất là khi cán bộ ở chức vụ càng cao, thì điều kiện, cuộc sống của họ cũng không phải đến mức thiếu hụt gì, tại sao lại muốn vơ vét thêm của cải của Nhà nước để rồi kết cục phải mất cả tiền tài lẫn địa vị, danh dự và đạo đức.

Đạo đức của người cán bộ luôn được đặt lên hàng đầu, nhất là trong thời đại ngày nay. Bác Hồ đã từng căn dặn: “có tài mà không có đức là người vô dụng”. Học tập và làm theo lời Bác dạy, trong những năm qua, Đảng ta đã từng bước sàng lọc, xử lý những cán bộ thiếu chuẩn mực đạo đức, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng. Và mới đây, nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng (3/2/2023) và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2013-2023), Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt, và được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị để mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, phát triển.

Sông Côn

Chuyên mục khác