Thực hiện Di chúc của Bác về giáo dục

02/10/2019 06:06

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến ngành Giáo dục - Đào tạo. Bác luôn mong ước và dành hết tâm huyết để “ai cũng được học hành”. Với Bác, “Giáo dục là quốc sách”, bởi lẽ có giáo dục đào tạo, đồng bào mới có cơ hội được nâng cao dân đức và mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước phát triển, phồn vinh…

Không chỉ luôn dặn dò các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền chú ý đến công tác giáo dục đào tạo, Bác đã đặt nền tảng cho tư tưởng chiến lược: “Giáo dục - Đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Người chỉ rõ: “Việc dạy học phải hướng vào dạy cho học sinh biết yêu nước, yêu lao động, dũng cảm, tự trọng; sống có nghĩa, có tình, có hoài bão, vì sự phồn vinh của Tổ quốc”.

Chính vì sự quan tâm sâu sắc dành cho công tác giáo dục và đào tạo, mà sinh thời, mỗi dịp vào năm học mới, Bác lại gửi thư cho ngành Giáo dục - Đào tạo, hoặc đến thăm và nói chuyện với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh, sinh viên ở các trường học. Theo tư liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bác đã viết 23 bức thư gửi cho ngành Giáo dục.

Trong bức thư cuối cùng của Người viết ngày 15/10/1968 gửi đến các cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh các cấp nhân dịp đầu năm học 1968-1969, ở phần đầu bức thư, Bác Hồ khẳng định những thành tích to lớn của ngành Giáo dục-Đào tạo ở miền Bắc: “Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển mạnh hơn bao giờ hết”. Bác nêu những con số rất cụ thể, làm phấn chấn lòng người: “... miền Bắc nước ta đã có một vạn hai nghìn trường phổ thông, mỗi xã đều có 1 trường cấp I, nhiều xã đã có trường cấp II, các huyện đều có ít nhất 1 trường cấp III. Số người đi học đã hơn 6 triệu, trong đó có hơn một triệu cán bộ và công nông đang học bổ túc văn hóa. Số người vào học các trường đại học và trung học chuyên nghiệp tăng gần gấp 3 so với trước chiến tranh chống Mỹ. Hơn 30 trường đại học và 200 trường trung học chuyên nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành và các địa phương, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, tập trung cũng như tại chức. Các trường đã có nhiều cố gắng trong việc thi đua dạy tốt và học tốt, đảm bảo an toàn cho thầy và trò, làm cho đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tiến bộ”.

Năm học 1968-1969, đó là thời điểm công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam đang bước vào giai đoạn khó khăn, ác liệt. Lúc này, Bác đã tuổi cao, sức yếu, nhưng vẫn dốc toàn tâm trí cho công cuộc cách mạng ở hai miền Nam - Bắc. Người căn dặn: “…Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành sẽ phải chú trọng đến sự rèn luyện đức tính cần thiết trong cuộc đời đoàn thể rộng rãi và năng lực kỹ thuật cần lao của con người…”.

Hỗ trợ gạo cho học sinh Trường THCS Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô). Ảnh: MT

Người còn dạy, học để làm việc, làm người, làm cán bộ, để phụng sự đoàn thể, giai cấp, nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Do đó, việc học không chỉ dành cho trẻ em, không chỉ dành cho người trẻ tuổi, mà dành cho tất cả mọi lứa tuổi, dành cho cả người lớn tuổi.

Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, trong những năm kháng chiến chống giặc đến khi thống nhất đất nước và đến nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về Giáo dục - Đào tạo. Trong đó đáng chú ý là Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 24/12/1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về định hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ CNH, HĐH; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Kết luận 49 KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị… đã cụ thể hóa quan điểm của Bác về giáo dục.

Riêng tại tỉnh ta, những chỉ huấn của Người về giáo dục đào tạo đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch đầu tư, chăm lo cho giáo dục và đào tạo tỉnh nhà. Từ đây, góp phần đạt nhiều kết quả tốt đẹp trong thực hiện Di chúc của Bác về giáo dục.

Từ năm 2003 đến nay, thực hiện các Đề án kiên cố hóa trường lớp học, tỷ lệ phòng lớp học được đầu tư kiên cố và bán kiên cố trên địa bàn tỉnh đạt trên 98,1%; hệ thống trường lớp học tiếp tục được củng cố và mở rộng, toàn tỉnh có 421 trường - trong đó có 160 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 27 trường so với năm 2015; hiện tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đúng độ tuổi bậc Tiểu học đạt 99,9% và THCS đạt 95%; toàn tỉnh có 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1…

Đến nay, chất lượng giáo dục học sinh được đánh giá ngày càng có nhiều chuyển biến tốt hơn, nhất là học sinh DTTS có sự tiến bộ không ngừng trong học tập. Các em học sinh DTTS bậc THPT có học lực trung bình trở lên tăng từ  89,6% lên 90,09% (cuối năm học qua) - góp phần để tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2019 đạt 91,47%.

Nhờ sự quan tâm đầu tư cho giáo dục đào tạo của các cấp ủy, chính quyền, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh có điều kiện hoàn thành tốt công tác dạy và học trong các năm qua. Đặc biệt, năm học 2018-2019, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh ta là 1 trong 23 tỉnh, thành phố trên cả nước vinh dự được Bộ trưởng Bộ Giáo dục -Đào tạo tặng Bằng khen đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”…

Mai Trâm

Chuyên mục khác