Thôn trưởng A Khoan làm theo lời Bác

09/06/2017 07:44

Mỗi người có một cách để học tập và làm theo lời Bác, riêng A Khoan - Thôn trưởng Plei Sa (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) tâm niệm: học và làm theo Bác một cách thiết thực nhất đó là không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và tự lực vươn lên; tích cực vận động dân làng đoàn kết, xóa đói giảm nghèo, xây dựng làng quê ngày một phát triển.

Nhiều năm nay, thôn trưởng A Khoan (sinh năm 1979) được bà con dân làng Plei Sa quý mến, nể phục bởi tính cách hiền lành, gần gũi, hay giúp đỡ bà con dân làng và là điển hình làm kinh tế giỏi ở làng.

Năm 1999, A Khoan lấy vợ là Y Hồng ở cùng làng. Bố mẹ hai bên gia đình thuộc diện hộ nghèo nên hai vợ chồng ra riêng lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Để có tiền trang trải cuộc sống, hai vợ chồng xin vào làm công nhân Nông trường Cao su Ia Chim.

Với quyết tâm làm giàu, vợ chồng A Khoan dành dụm số tiền lương hàng tháng để mua đất trồng mì, chăn nuôi bò sinh sản kiếm thêm thu nhập.

Năm 2009, A Khoan được bà con dân làng tín nhiệm bầu làm thôn trưởng Plei Sa. Được dân làng tin yêu, quý mến nên anh luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng sống thật tốt, làm kinh tế thật giỏi để làm gương cho bà con dân làng noi theo.

Năm 2010, A Khoan chính thức xin nghỉ làm công nhân để tập trung làm kinh tế gia đình. Nhờ học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cao su trong thời gian làm công nhân, A Khoan đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng mì của gia đình sang trồng loại cây có giá trị kinh tế cao này. Mặc dù sở hữu đến 5ha đất trồng mì nhưng do chưa có nhiều vốn nên thời gian đầu vợ chồng anh chỉ trồng 2ha cao su.

Với cách làm "lấy ngắn nuôi dài" và tích góp dần để mua thêm đất đai mở rộng sản xuất, vợ chồng A Khoan đã mua thêm được 4ha đất và dần dà cũng đã chuyển đổi toàn bộ đất trồng mì sang trồng cao su.

Bạt ngàn cao su của gia đình A Khoan

 

Bà con dân làng Plei Sa không khi nào thấy A Khoan có thời gian nghỉ ngơi hay uống rượu cùng thanh niên trong làng mà lúc nào cũng miệt mài với nương rẫy, mặc dù anh còn trẻ.

Đứng giữa bạt ngàn cao su, A Khoan khoe với chúng tôi, toàn bộ vườn cây này đều do vợ chồng anh tự ươm cây giống để trồng trọt. Trong 9ha cao su của gia đình trồng được, đến nay có 4ha đã cho thu hoạch. Năm ngoái, vợ chồng anh mua thêm 1,5ha đất để trồng cà phê.

Vừa đi trút mủ cao su ở lô cho Nông trường về, chị Y Hồng – vợ A Khoan chia sẻ với chúng tôi: Vợ chồng luôn nghĩ mình còn trẻ nên phải ráng làm để có thể lo cho con cái học hành đàng hoàng. Mấy năm nay do giá mủ cao su giảm mạnh nên vợ chồng phải cố gắng tự xoay xở chứ không thuê mướn nhân công. Vì vậy, từ 1h sáng mình đã phải thức dậy ra lô để cạo mủ cao su cho Nông trường, đến 3h sáng lại tranh thủ quay ngược về nhà để hai vợ chồng tiếp tục đi cạo mủ cao su cho gia đình…

Tuy hơn chục hécta cây công nghiệp chưa đến kỳ thu hoạch đồng loạt; nhưng đến nay gia đình A Khoan đã thuộc hàng có thu nhập cao nhất nhì ở làng Plei Sa. Mỗi năm, từ rẫy mì, cao su, chăn nuôi bò, vợ chồng A Khoan cũng thu về được gần 200 triệu đồng.

Vợ chồng A Khoan luôn là tấm gương làm kinh tế giỏi được bà con dân làng Plei Sa học hỏi và làm theo. Mặc dù thôn có đến 65% người trong độ tuổi lao động là công nhân Nông trường Cao su Ia Chim nhưng ngoài công việc làm công nhân, đến nay, nhà nào cũng học hỏi theo gia đình A Khoan canh tác thêm ruộng lúa, rẫy cao su, cà phê, chăn nuôi bò để tăng thêm thu nhập.

Theo thôn trưởng A Khoan: Hiện nay, làng Plei Sa có khoảng 200ha cao su, trong đó có 68ha cao su tiểu điền; gần 30ha cà phê; gần 50ha lúa nước 2 vụ. Điều đặc biệt là, hiện trong thôn không còn tình trạng đất đai hoang hóa, tất cả đất đai đều được bà con tận dụng khai phá để phát triển trồng trọt. Đến nay, cả thôn chỉ còn 5 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo (thôn có 265 hộ), thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/người/năm; 3 năm qua, thôn Plei Sa liên tiếp giữ vững danh hiệu thôn văn hóa…

Không chỉ vận động bà con dân làng tập trung phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, thôn trưởng A Khoan còn là một trong những nhân tố điển hình trong công tác tuyên truyền, vận động bà con dân làng xây dựng nông thôn mới.

Năm 2016, nhờ sự phối hợp trong công tác vận động của thôn trưởng A Khoan, 12 hộ dân trong thôn đã tình nguyện hiến mỗi hộ từ 500m2 đến 1.000m2 đất vườn nhà để mở rộng tuyến đường dẫn vào thôn, góp phần đưa xã Ia Chim về đích đúng lộ trình trong xây dựng nông thôn mới.

Anh A Khoan chia sẻ, học tập và làm theo lời Bác Hồ kính yêu, bản thân anh và gia đình sẽ luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào ở địa phương để bà con dân làng noi theo; vận động, tuyên truyền, giúp đỡ các hộ nghèo còn lại trong thôn sớm thoát được nghèo; cùng với bà con dân làng nâng cao ý thức xây dựng làng quê nông thôn mới khởi sắc hơn.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác