“Những bông hoa trong vườn Bác”

07/02/2019 06:54

​Mỗi lần nghe đến bài hát Những bông hoa trong vườn Bác: “Những bông hoa trong vườn Bác. Tỏa ngát hương mang tình yêu mênh mông của Người. Mỗi mùa hoa một màu quê hương. Mỗi màu hoa một màu yêu thương…” của nhạc sỹ Văn Dung, tôi lại dâng trào một cảm xúc đặc biệt. Bởi từng ca từ của bài hát khiến tôi liên tưởng về những con người sống tốt, sống đẹp, sống giản dị, vì nước, vì dân như chính tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo nên những bông hoa đẹp trong vườn hoa của Bác.

May mắn tôi gặp được những cá nhân là điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên nhiều lĩnh vực. Họ là những cán bộ, đảng viên hoặc đơn giản chỉ là một người dân rất đỗi bình thường nhưng đã làm được nhiều việc thật ý nghĩa, tô đẹp cho cuộc đời, xứng đáng là những bông hoa đẹp trong vườn hoa của Bác.

Câu chuyện từ một người nghèo vươn lên thoát nghèo rồi được dân làng bầu chọn là thôn trưởng của anh A Thiuh ở làng Khúc Na (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) là một ví dụ điển hình về những bông hoa đẹp trong vườn hoa của Bác.

Thôn trưởng A Thiuh (trái) động viên bà con trong thôn phát triển kinh tế

 

Vừa mới thoát nghèo, năm 2009, cơn bão số 9 (năm 2009) đã làm cho căn nhà của anh bị sập hoàn toàn, còn diện tích các loại cây trồng thì mất trắng, gia đình A Thiuh lại tiếp tục ghi tên vào danh sách hộ nghèo.

Năm 2010, A Thiuh được tạo điều kiện tham gia mô hình giảm nghèo của địa phương và được hỗ trợ 1 con bò để phát triển chăn nuôi. Bản thân anh cũng đã mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội 15 triệu đồng để chuyển đổi 1 ha diện tích trồng mì sang trồng cao su; kết hợp chăn nuôi heo hướng nạc, gà thả vườn để tăng thu nhập. Từ số tiền tiết kiệm được, anh A Thiuh tiếp tục đầu tư mua 2ha đất rẫy để trồng cao su và trồng thêm 2ha bời lời. Với bản tính cần cù, siêng năng, năm 2017, A Thiuh đã thoát nghèo.

Thấy A Thiuh chăm chỉ làm ăn và luôn nhiệt tình với công việc của thôn, bà con dân làng Khúc Na đã bầu anh làm thôn trưởng.

Để xứng đáng với sự tin yêu của dân làng, từ đây, thôn trưởng A Thiuh càng nỗ lực và quyết tâm phải nêu gương trong mọi lĩnh vực để bà con dân làng cùng học hỏi và làm theo. Cùng với phát triển kinh tế, A Thiuh còn chăm lo việc học hành cho con cái. Đến nay, người con đầu của A Thiuh tên Y Huýt đã tốt nghiệp Trung cấp Y Kon Tum và đang công tác tại Trạm Y tế xã Ia Dom (huyện Ia H’Drai), người con thứ 2 tên A Hoan đang học năm thứ 3 Trường Sĩ quan Pháo binh (Hà Nội), người con thứ 3 tên Y Hương đang học năm thứ 2 Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

“Bây giờ không có cái chữ, không nghề nghiệp thì khổ lắm. Mình không muốn con mình khổ như mình nên phải cố gắng cho con đi học” - A Thiuh nói.

Nhờ sự góp sức của A Thiuh mà đến nay bà con dân làng Khúc Na đã chuyển đổi trồng được gần 30ha cao su, 6ha cà phê, 11ha bời lời và gần như gia đình nào cũng chăn nuôi gia súc (heo, bò) và gà thả vườn. Hiện nay, trên địa bàn thôn đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến làm kinh tế khá, giỏi như A Chinh, A Đem, A Đang và một số gia đình đã cho con đi học đại học, cao đẳng, trung cấp…

Một điển hình tiêu biểu nữa mà tôi đã gặp và rất khâm phục là tấm gương của chị Ngô Thị Sâm - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Tân Cảnh (huyện Đăk Tô). Tuy là cán bộ huyện tăng cường về cơ sở (được hơn 4 năm) nhưng chị Sâm rất gắn bó, sâu sát cơ sở và luôn được cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn xã Tân Cảnh hết mực tin yêu, quý mến vì những việc mà chị đã làm được cho địa phương và cho nhân dân nơi đây.

Nhắc đến Tân Cảnh là nhắc đến một “kỳ tích” về xây dựng nông thôn mới mà không phải địa phương nào trong tỉnh cũng có thể làm được, trong đó có công lao to lớn của Bí thư Đảng ủy Ngô Thị Sâm.

Còn nhớ, năm 2011, huyện Đăk Tô đã chọn 2 xã Kon Đào và và Diên Bình để về đích nông thôn mới trong giai đoạn 2011-2015. Thế nhưng, đến năm 2014, nhận thấy xã Kon Đào có nhiều khó khăn chưa thể đạt được mục tiêu đề ra nên huyện Đăk Tô đã quay sang chọn xã Tân Cảnh. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, trong đó có vai trò lãnh đạo của Bí thư Đảng ủy Ngô Thị Sâm, đến tháng 12/2015, xã Tân Cảnh đã “về đích” nông thôn mới và là xã đi đầu của huyện Đăk Tô về vận động nhân dân hiến đất, hoa màu để làm đường giao thông nông thôn.

Không chỉ dừng lại ở việc đạt các tiêu chí xã nông thôn mới, đến nay, nhờ đưa ra chủ trương sát, đúng của tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã, mà người đứng đầu là đồng chí Bí thư Đảng ủy Ngô Thị Sâm, Tân Cảnh còn triển khai mắc được hơn 7 km đường điện chiếu sáng nông thôn và đang tiếp tục vận động nhân dân mắc điện chiếu sáng dọc tuyến Quốc lộ 14 đoạn qua địa bàn xã; vận động doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn hỗ trợ hơn 200 triệu đồng xây dựng điểm vui chơi tập trung cho trẻ…

Cũng từ khi đảm đương chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Tân Cảnh, với tác phong làm việc chỉn chu, khoa học, chỉ đạo, phân công công việc rõ ràng và có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ, mọi công việc ở cơ sở luôn trôi chảy; chất lượng và hiệu quả công việc được nâng lên, tạo được niềm tin của dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ, với vai trò là Bí thư Đảng ủy, chị Ngô Thị Sâm đã lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ trực thuộc làm tốt công tác tạo nguồn phát triển Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Kết quả là, từ sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Đảng bộ xã Tân Cảnh đã phát triển thêm được 45 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 195 đảng viên; các chi bộ trực thuộc đều duy trì nề nếp sinh hoạt định kỳ vào chiều ngày 3 hàng tháng và trước khi tổ chức sinh hoạt các đồng chí trong cấp ủy đều chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng…

Chị Ngô Thị Sâm trò chuyện với bà con nhân dân thôn 2, xã Tân Cảnh

 

Chia sẻ về những việc đã làm được, Bí thư Đảng ủy Ngô Thị Sâm khiêm tốn: Tất cả những kết quả đã đạt được là nhờ có sự đồng thuận, nhất trí cao của tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn ủng hộ. Riêng về bản thân, là người đứng đầu cấp ủy nên tôi luôn ý thức phải nêu gương; chịu khó học tập, nghiên cứu kỹ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, để từ đó cụ thể hóa vào tình hình thực tế cơ sở phù hợp.

Nhận xét về Bí thư Đảng ủy Ngô Thị Sâm, Phó Bí thư chi bộ đồng thời là thôn trưởng thôn 2 (xã Tân Cảnh) Trần Đình Vị cho biết: Chị Sâm gần dân, sâu sát cơ sở; luôn đưa ra những chủ trương sát, đúng và hợp lòng dân, nhất là trong lãnh đạo xây dựng nông thôn mới. Và một điều đặc biệt ở chị mà nhiều người cần phải học hỏi đó là tinh thần, thái độ và trách nhiệm với công việc. Là phụ nữ nhưng chị luôn bản lĩnh, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước mọi lời nói, hành động và việc làm của mình; mọi vướng mắc ở cơ sở đều được chị đứng ra chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, đứt điểm, thấu tình đạt lý, tạo được niềm tin cho nhân dân.

Phần thưởng thật xứng đáng với thôn trưởng A Thiuh là tháng 10/2018 anh được chọn là 1 trong 2 hộ thoát nghèo tiêu biểu của tỉnh Kon Tum tham dự Hội nghị biểu dương hộ gia đình vươn lên thoát nghèo toàn quốc giai đoạn 2016-2020 (tại Hà Nội); còn với Bí thư Đảng ủy Ngô Thị Sâm, liên tục nhiều năm liền chị đã được Ban Thường vụ Huyện ủy đánh giá, xếp loại đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và là 1 trong 2 điển hình tiêu biểu của huyện Đăk Tô được tỉnh khen thưởng về thành tích học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2018.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác