Nhà báo học tập và làm theo lời Bác dạy

22/06/2020 06:08

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tổ chức cách mạng phải có cơ quan ngôn luận. Người làm cách mạng phải viết báo”. Thấm nhuần học thuyết Mác - Ăng ghen, Lê-nin, Bác Hồ đã xây dựng và để lại cho chúng ta di sản quý báu: Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng.

Người đã chỉ rõ “người làm cách mạng phải biết sử dụng vũ khí sắc bén là cây viết và tờ giấy”. Bác xác định “báo chí là mặt trận”, “nhà báo là chiến sĩ”, nên mỗi lần thành lập một tổ chức cách mạng, Bác đều lập ra các tờ báo - cơ quan ngôn luận của tổ chức cách mạng đó.

Theo quan điểm của Người, bất cứ người cách mạng nào - đặc biệt là các lãnh tụ đều phải tham gia viết báo, dùng báo chí để bày tỏ quan điểm, lập trường, tuyên truyền giáo dục quần chúng, đấu tranh vạch mặt kẻ thù, thức tỉnh và tập hợp quần chúng đấu tranh, thành lập tổ chức cách mạng, đưa nhân dân đến thắng lợi cuối cùng. Cuộc đời của Bác cũng là cuộc đời của một nhà báo. Với Bác, viết báo là một nhiệm vụ, là phương pháp đấu tranh cách mạng.

Noi gương Bác, các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Trần Phú, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Hoàng Tùng, Xuân Thủy và nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng đều thường xuyên tham gia viết báo, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước bằng những tác phẩm báo chí sắc sảo.

Trong suốt cuộc đời mình, Bác đã viết hơn 2.000 tác phẩm báo chí. Ảnh: Tư liệu

 

Là lãnh tụ vĩ đại của Đảng và của dân tộc, tuy bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác luôn dành thời gian để viết báo. Trong suốt cuộc đời mình, Bác đã viết hơn 2.000 tác phẩm, từ tin, phóng sự, bút ký, tiểu phẩm, tranh châm biếm cho đến chính luận, truyện ngắn và thơ. Bác đề cập đến tất cả mọi vấn đề, tất cả các mặt trận đấu tranh, đòi độc lập tự do, xây dựng đất nước hùng cường, vạch mặt tội ác của kẻ thù, liên kết bè bạn vì nền hòa bình và dân chủ thế giới. Chỉ tính riêng trên báo Nhân Dân từ số đầu tiên (11/3/1951) đến số 5526 (1/6/1969), Bác đã viết 1.205 tin, bài cho báo này. Ngôn ngữ, văn phong báo chí của Bác mộc mạc, giản dị, trong sáng, sâu sắc và dễ hiểu.

Cố nhà báo Đinh Chương (phóng viên Thông tấn xã Việt Nam) có vinh dự hơn 10 năm được phục vụ việc đưa tin về các hoạt động của Bác từng kể, ngày 10/5/1959, Bác đi thăm 3 đơn vị, khi đi, ông Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác - dặn khi viết xong tin đưa lên cho Bác xem và duyệt. Nhà báo Đinh Chương viết:“Hồ Chủ tịch vạch rõ năm ngoái các địa phương làm được 107 cái cống, sau khi kiểm tra có 87 cái hư hỏng. Trách nhiệm ấy là do cán bộ từ trên xuống dưới quan liêu, không nghĩ đến nhân dân, làm thiệt hại cho nhà nước, cho nhân dân. Nếu từ trên xuống dưới có tinh thần phụ trách thì không đến nỗi như thế”

Bác sửa: “Hồ Chủ tịch vạch rõ: Năm ngoái các địa phương làm hơn 100 cái cống, sau khi kiểm tra có nhiều cái hư hỏng. Trách nhiệm ấy là do cán bộ quan liêu, thiếu tinh thần phụ trách mà làm thiệt hại tiền bạc của Nhà nước, công sức của nhân dân”. Nhà báo Đinh Chương viết 3 câu, 66 từ. Bác sửa gọn lại 2 câu, 51 từ mà rõ ràng, súc tích. Lời Bác phê phán cán bộ mạnh mẽ và rất nghiêm khắc.

Đoạn Bác đến thăm nông trường quân đội An Khánh, nhà báo Đinh Chương viết :“Hồ Chủ tịch đã nêu lên một số tư tưởng lệch lạc của anh em như cho lao động trí óc vẻ vang hơn ở nông trường, nông thôn. Cần phải xác định rõ bất kỳ lao động nào, dù ở trong nhà máy, nông trường, hay nông thôn cũng đều vẻ vang cả. Cần gạt bỏ tư tưởng cá nhân, vì tư tưởng cá nhân đẻ ra nhiều cái xấu, lười biếng, tham ô, đòi hưởng thụ, kèn cựa, địa vị… Cán bộ, bộ đội, công nhân và nông dân nói chung muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa, muốn có con người xã hội chủ nghĩa phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, muốn có tư tưởng xã hội chủ nghĩa phải gột rửa tư tưởng cá nhân”.

Bác sửa :“Hồ Chủ tịch đã nêu lên một số tư tưởng lệch lạc của anh em như cho lao động trí óc vẻ vang hơn lao động chân tay, hay là làm trong nhà máy vẻ vang hơn ở nông trường, nông thôn. Cần phải xác định rõ bất kỳ lao động nào ích nước, lợi dân cũng đều vẻ vang cả. Cần gạt bỏ tư tưởng cá nhân, vì tư tưởng cá nhân đẻ ra nhiều cái xấu như lười biếng, tham ô, đòi hưởng thụ, kèn cựa, địa vị… Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa, muốn có con người xã hội chủ nghĩa phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, muốn có tư tưởng xã hội chủ nghĩa phải gột rửa tư tưởng cá nhân”. Bác đã rút ngắn toàn bộ đoạn văn và thêm vào 4 chữ “Ích nước, lợi dân”. Bác đã nêu bật ý nghĩa to lớn của việc lao động trên mọi lĩnh vực. Đó cũng là nét văn phong của Bác, thể hiện “lời ít, ý nhiều” mà mỗi nhà báo chúng ta cần phải học tập, rèn luyện phấn đấu noi theo.

Ai đã từng được đọc bản Di chúc “Người để lại cho muôn đời sau” sẽ thấy Bác là lãnh tụ đặc biệt tôn trọng tiếng Việt, mặc dù Người biết rất nhiều ngoại ngữ. Bác luôn dạy chúng ta phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bác rất thận trọng, chăm chút từng câu, từng chữ khi viết và nói để câu văn luôn sáng sủa. Văn phong của Bác giản dị, không cao siêu nhưng rất uyên thâm.

 Bản Di chúc chỉ hơn 1.000 từ nhưng Bác dành công sức hơn 4 năm với tổng cộng 57 lần tự sửa chữa, trong đó 32 lần lựa chọn lại từ ngữ, 22 lần tổ chức lại câu, 3 lần bổ sung thêm câu hoặc thêm đoạn.

Diễn đạt chính xác đã khó, nhưng diễn đạt ngắn gọn mà hàm chứa lượng thông tin cao lại càng khó. Có thể nói bản Di chúc của Bác Hồ chính là một giáo trình hết sức độc đáo qua từng con chữ cụ thể, đã dạy cho chúng ta những bài học sinh động, sâu sắc về sự cẩn trọng, về sự tinh tế, về thông điệp ẩn sau ngôn từ và cả lời dặn về ý thức rèn luyện ngôn từ cùng với một tình yêu sâu đậm dành cho tiếng Việt.

Vì vậy, việc rèn luyện cách nói, cách viết của mỗi người cũng chính là noi gương Bác, là góp phần làm cho tiếng Việt ngày càng trong sáng, ngày càng được trân quý, ngày càng được phổ biến rộng khắp như lòng mong muốn của Người, đặc biệt đối với các thế hệ những người làm báo chúng ta hôm nay.       

Võ Năng Nhẫn

Chuyên mục khác