Ngày khai giảng nhớ lời Bác Hồ dạy

05/09/2024 07:25

Ngày khai giảng năm học mới đã đến với biết bao tươi mới, rộn ràng, náo nức. Trong không khí tưng bừng Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, lại càng nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn”.

Ngày 5/9/1945, sau 3 ngày đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) tại Vườn hoa Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi các em học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bức thư của Người không chỉ thể hiện tình cảm yêu thương vô bờ bến của Người đối với các em học sinh mà còn thể hiện niềm tin tưởng đối với thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ngay phần mở đầu bức thư, đã có thể nhận thấy sự thấu hiểu và hòa mình của Bác với cảm xúc sung sướng của các em học sinh khi được là con người tự do, công dân của một quốc gia độc lập.

Bác Hồ theo dõi một cháu nhỏ đánh vần khi đến thăm lớp vỡ lòng. Ảnh TL

 

Bác đã hình dung ra không khí hồ hởi, vui tươi của ngày đầu tiên bước vào năm học mới: 

"Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi.

Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy, gặp bạn.

Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”.

Với tình cảm sâu sắc của “một người anh lớn”, Bác căn dặn:

“Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang.

Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn".

Bác nhận mình là “người anh lớn”, xưng “tôi”, gọi học sinh là “các em” như tình cảm ruột thịt vì Người không đứng ở vị thế lãnh tụ tối cao của dân tộc, mà với vai trò là một người thân trong gia đình của các em để bày tỏ tư tưởng và tình cảm của mình. 

Với tất cả tình yêu thương, Bác Hồ tin tưởng và hy vọng vào thế hệ tương lai của đất nước. Người dặn dò: “Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Ở mỗi trường học, lớp học, câu nói của Người luôn được treo nơi trang trọng nhất, nhắc nhở các em học sinh “cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn”. Và cả thầy cô giáo luôn nỗ lực góp sức xây dựng sự nghiệp “trồng người”.

Ngày khai giảng năm học mới đã đến với biết bao tươi mới, rộn ràng, náo nức. Ảnh: SC

 

79 năm qua, mỗi thế hệ học sinh là người Việt Nam luôn nỗ lực khắc ghi lời của Bác Hồ căn dặn ra sức thi đua rèn đức luyện tài, học tốt. Xác định học tập là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao tri thức, trình độ hiểu biết để góp phần dựng xây nước nhà ngày một phát triển. Đó cũng chính là cách để tri ân công lao to lớn của các thế hệ cha ông đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Nhìn lại từ sau đất nước ta giành được độc lập đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn có những chính sách thể hiện sự quan tâm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục; đã có những đổi mới căn bản, toàn diện để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là đối với giáo dục học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Trong đó, công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xóa mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật.

Mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư; Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 trên phạm vi cả nước. Đội ngũ giáo viên đã cơ bản thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Ở tỉnh Kon Tum, sau giải phóng (tháng 3/1975), tỷ lệ người mù chữ rất cao, đa số đồng bào DTTS không biết chữ. Nhưng đến năm 2002, tỉnh đã phổ cập giáo dục tiểu học cho 7 huyện, thị với 82 xã; tỷ lệ người biết chữ tăng lên 85%.

Vào năm 2017, đã có 89,5% người từ 15 tuổi trở lên biết chữ. Năm 2020, hầu hết trẻ em trong độ tuổi học phổ thông đều được đến trường; 100% huyện, thành phố đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2.

Một hệ thống giáo dục đồng bộ, hiệu quả đã được xây dựng, củng cố, từ đó tạo nền móng để xây dựng xã hội học tập. Trong đó, có sự gắn kết, liên thông giữa giáo dục chính quy (gồm các cấp học từ mầm non, tiểu học đến phổ thông) và giáo dục không chính quy (giáo dục nghề nghiệp - thường xuyên); giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội; giữa giáo dục thế hệ trẻ với giáo dục người lớn.

Các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, động viên nhân dân tham gia học tập.

Đến hết năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 349 trường mầm non và phổ thông, trong đó có 133 trường mầm non (110 trường mầm non công lập và 24 trường mầm non ngoài công lập), 82 trường tiểu học, 61 trường tiểu học và trung học cơ sở, 47 trường trung học cơ sở, 25 trường trường trung học phổ thông. Ngoài ra còn có 102 trung tâm học tập cộng đồng và 16 trung tâm ngoại ngữ, trung tâm giáo dục ngoài công lập đang hoạt động.

Tổng số trẻ em, học sinh huy động ra lớp là 168.493 (đạt 98,53% so với kế hoạch được UBND tỉnh giao năm 2024), tăng 1.724 trẻ em, học sinh so với cùng kỳ năm học 2022 - 2023; trong đó, có 99.758 trẻ em, học sinh người DTTS.

Bước vào năm học mới 2024-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước nói chung và ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum nói riêng sẽ tiếp tục nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế.

Ngày khai giảng năm học mới đã đến với biết bao tươi mới, rộn ràng, náo nức. Trong không khí tưng bừng Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, lại càng nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn”.

 Dưới cờ đỏ sao vàng và trong không khí nô nức vui tươi, phấn khởi, cùng với sự quan tâm và chuẩn bị chu đáo của toàn xã hội, hy vọng các em học sinh sẽ bước vào năm học mới với tâm thế vững vàng, gặt hái được kết quả rực rỡ hơn nữa để mừng công báo công với Bác Hồ kính yêu.   

Sông Côn

Chuyên mục khác