Kinh tế báo chí - Nét phong cách báo chí Hồ Chí Minh

19/06/2017 08:00

Bác Hồ kính yêu khi đi xa đã để lại cho đời sau một di sản tư tưởng và phong cách báo chí cách mạng - mà Bác là người thầy khai sáng và rèn luyện cho nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày nay.

Phong cách báo chí Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ Người là bậc thầy trong việc giải quyết các cặp phạm trù: lý luận - thực tiễn, nội dung - hình thức; mục tiêu - phương pháp; khoa học - đại chúng… một cách độc đáo, mang đặc trưng và bản sắc của phong cách báo chí Hồ Chí Minh riêng biệt, không lẫn với bất cứ ai.

Phong cách báo chí Hồ Chí Minh ở khía cạnh kinh tế báo chí có nhiều cách tiếp cận khác nhau rất đa dạng, phong phú. Chẳng hạn, khi ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc việc cần thiết phải xuất bản một tờ báo để làm diễn đàn cho các dân tộc thuộc địa. Vì vậy, ngày 1/4/1922, Báo Le Paria (tức Báo Người cùng khổ) - cơ quan của Hội Liên hiệp thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút đã ra số đầu tiên. Nhưng để xuất bản được một tờ báo cách mạng giữa Paris - thủ đô của nước Pháp hoa lệ - dinh lũy của chủ nghĩa tư bản, thực dân, về mặt thủ tục có lẽ không khó, nhưng chắc chắn là sẽ không có tổ chức hoặc cá nhân nào tài trợ, bao cấp về kinh phí cho công việc xuất bản, phát hành, nhất là khi tờ báo này lại có tư tưởng chống lại nước Pháp thực dân. Kinh phí xuất bản và độc giả mua báo là 2 điều kiện cốt tử để tờ báo tồn tại.

Thế nhưng, chủ nhiệm kiêm chủ bút Nguyễn Ái Quốc cùng các cộng sự của Người, trong đó có những người bạn vong niên như Luật sư Nguyễn Thế Truyền đã phải lo liệu từ khâu tổ chức bài vở, biên tập, làm makét, giấy, thủ tục in ấn, phát hành v.v…trong bối cảnh mật thám Pháp luôn rình rập. Vậy mà Nguyễn Ái Quốc với quyết tâm làm và Người đã thành công.

Ai cũng biết, trong xã hội tư bản, muốn làm một chủ báo, xuất bản một tờ báo, thì một trong những vấn đề cốt lõi là phải có tiền và bán được báo để có thể xuất bản tiếp tục cho những số tiếp theo. Đây là vấn đề rất hóc búa, nhất là khi chủ báo, chủ bút lại là người An Nam da vàng, mới đến nước Pháp tư bản chưa lâu, càng khó hơn khi trong túi không có những đồng tiền dư dật. Để ra được báo, ngày 10/2/1922, Nguyễn Ái Quốc đã ra "Lời kêu gọi tham gia Hội Xuất bản báo Le Paris", in truyền đơn cổ động mua báo, vận động quyên góp tiền cho báo. Nội dung của "lời kêu gọi", "truyền đơn tuyên truyền cổ động" mua báo đều cổ động cho một xã hội công bằng, công lý, tự do, bình đẳng…và cuối cùng là kêu gọi mọi người đứng lên, đoàn kết quanh lá cờ cách mạng. Thế mới biết, chuyện làm báo Người cùng khổ ở Paris - thủ đô nước Pháp, cách đây gần cả thế kỷ, thế mà Bác Hồ đã biết cách quảng bá về thương hiệu, về PR một cách rất hiệu quả.

      Ba năm sau (1925), khi về Quảng Châu (Trung Quốc), để chuẩn bị thành lập Đảng (thời gian mà sau này nhà báo Thép Mới hay dùng từ "thời dựng Đảng"), cùng với việc tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, Nguyễn Ái Quốc đã cho xuất bản tờ báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Lần xuất bản này cũng rất khó khăn, không khác lần xuất bản báo Người cùng khổ trước đó vì điều kiện ngặt nghèo về chính trị, kinh tế ở nước Trung Hoa thuộc địa và cũng không được ai bù lỗ như lần đầu ra báo Người cùng khổ. Song, dưới sự chèo chống của Nguyễn Ái Quốc, báo Thanh Niên vẫn thường xuyên xuất bản, làm ngọn cờ tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể, cổ vũ tinh thần yêu nước của nhân dân, tiến tới thành lập một Đảng mác-xít kiểu mới - Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay.

Trong thời gian làm báo Người cùng khổ ở Pháp, cũng như làm báo Thanh Niên ở Quảng Châu đã cho Nguyễn Ái Quốc - Hồ chí Minh thực tiễn sinh động của một người chủ báo, đã phải chạy đôn, chạy đáo lo liệu mọi kinh phí cho việc in ấn, trả nhuận bút và đặc biệt là phải tiêu thụ được tờ báo đã in ra. Từ đó, nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh đã rút ra kinh nghiệm về kinh tế báo chí nên Người nói :"Báo cũng là một ngành kinh tế" và "một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo". Nhưng Hồ Chí Minh luôn dạy những người làm báo không được chỉ vì kinh tế mà xa rời mục đích, tôn chỉ của mình.

Ngày nay, các Tổng biên tập, Giám đốc các cơ quan báo, đài đang quản lý một khối tài sản lớn, có giá trị từ vài tỷ đến vài trăm tỷ đồng được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Hàng ngày, thông qua quá trình xuất bản, phát hành, truyền dẫn phát sóng, các cơ quan báo chí sản xuất và đưa đến công chúng các nội dung thông tin mà chúng ta quen gọi là "hàng hóa đặc biệt", có giá trị, giá cả và cơ quan báo, đài phải chịu trách nhiệm nộp thuế như các loại hình doanh nghiệp khác. Cho nên có thể hình dung các cơ quan báo chí là một sản nghiệp đặc biệt thực hiện doanh thu về nhận thức, niềm tin chính trị của nhân dân đối với chế độ, thông qua các loại hình truyền thông tích cực và doanh thu về tài chính thông qua hoạt động quảng cáo, bán báo, tài trợ.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những người làm báo vận dụng kiến thức "làm theo" theo phong cách báo chí Hồ Chí Minh phải hiểu rộng, đa nhiều, dưới nhiều góc độ khác nhau của các cặp phạm trù có tính triết học liên quan đến báo chí thì mới thấy hết giá trị, ý nghĩa khi Người đề cập "báo chí là một ngành kinh tế".

Nhà báo học tập và làm theo nội dung phong cách báo chí Hồ Chí Minh có hiệu quả nhất, ngoài những phẩm chất cần phải có về đạo đức, nhân cách, kỹ năng, nghiệp vụ… thì phải đưa đến công chúng bằng những nội dung thông tin của loại "hàng hóa đặc biêt": chứa đựng nhiều nội dung về lượng thông tin, tính trung thực của các sự kiện, sự tìm tòi và khám phá, hình thức, cách thể hiện và nhất là tính trách nhiệm cao trước mỗi thông tin mình đưa ra.

Nhẫn Năng

Chuyên mục khác