"Học tập suốt đời" phải là nhu cầu tự thân

05/10/2024 13:00

Mỗi người dân có ý thức tự học, học tập suốt đời chính là một trong những yếu tố quan trọng để hình thành nên xã hội học tập.

Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, tự học và học tập suốt đời là một luận điểm quan trọng và xuyên suốt.

Người thường căn dặn: Mục đích học tập suốt đời là để tiến bộ không ngừng; để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Đồng thời, Người chỉ rõ, “Muốn tiến bộ mãi thì phải học tập. Học trong sách báo, học trong công tác, học với anh em, học hỏi quần chúng” và “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm” .

Từ xa xưa, các thế hệ người Việt cũng luôn coi trọng việc học, coi học tập là nền tảng cho mọi thắng lợi. Truyền thống quý báu đó đã được hình thành, hun đúc và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Tôi còn nhớ chuyện bà ngoại và mẹ kể, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, phong trào bình dân học vụ lan đến quê nhà, mẹ tôi mới 3 tuổi, níu tay bà ngoại, đốt đuốc đến lớp xóa mù chữ ban đêm.

Chỉ trong vòng vài tháng, bà tôi và mẹ tôi (học lỏm thôi) thuộc bảng chữ cái và có thể đánh vần các câu khẩu hiệu.

Học tập suốt đời phải trở thành nhu cầu tự thân. Ảnh: H.L

 

Sống hơn 80 năm dài đằng đẵng, trải qua bao nhiêu biến cố, một tay mẹ thu vén, chèo chống gia đình, nuôi nấng mấy chị em tôi khôn lớn. Dù là nông dân, quanh năm đầu tắt mặt tối, sống cực nhọc, lam lũ, nhưng mẹ luôn giữ thói quen đọc sách.

Ngay cả khi mắt đã mờ, bà vẫn quyết không để mình “lạc hậu với thời cuộc”, khi quyết tâm học sử dụng điện thoại thông minh, học cách sử dụng internet, rồi sử dụng zalo. Bà nói “ngày xưa nghèo khó còn học được, bây giờ sướng rồi, cơm áo không lo, mắc chi không học.”

Để bảo đảm công bằng xã hội về giáo dục, mọi người đều bình đẳng trong học tập, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 11- CT/TW ngày 13/4/2007, và sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 02/2008/CT- TTg ngày 8/1/2008 về xây dựng xã hội học tập.

Theo đó, xã hội học tập là một xã hội mà mọi người dân có nhu cầu học tập đều được đáp ứng và đều có nghĩa vụ học tập. Xã hội tạo cơ hội và điều kiện để công dân nào cũng được học tập.

Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, một hệ thống giáo dục đồng bộ, hiệu quả đã được xây dựng, củng cố, từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tự học và học tập suốt đời của mỗi người.

Vì thế, việc học ngày nay không chỉ thể hiện truyền thống hiếu học tốt đẹp đó mà còn được xem như một trong những nhu cầu cơ bản tất yếu của đời sống, là cơ sở quan trọng để mỗi cá nhân phát huy tốt nhất năng lực bản thân, sống hạnh phúc hơn và thăng tiến hơn.

Ở tỉnh ta, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, động viên nhân dân tham gia học tập.

Vậy thì có gì mà không thể thực hiện học tập suốt đời?

Văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời. Ảnh: HL

 

Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định rằng, xây dựng xã hội học tập là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Và để xây dựng được xã hội học tập thì ý thức tự học, học tập suốt đời là yếu tố quyết định nhất.

Và Tuần lễ “Học tập suốt đời” là một trong những hoạt động cụ thể, thiết thực được phát động nhằm tôn vinh, gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học quý báu của dân tộc Việt Nam; thúc đẩy tinh thần tự giác học tập và học tập suốt đời của mỗi người.

Kể từ lần đầu tiên được Ban chỉ đạo Quốc gia xây dựng xã hội học tập phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động vào năm 2011 (từ ngày 2 - 8/10/2011), qua 13 năm, Tuần lễ “Học tập suốt đời” đã được lan tỏa sâu rộng, được các địa phương triển khai hàng năm.

Năm nay, Tuần lễ “Học tập suốt đời” được tổ chức từ ngày 1-7/10 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”.

Ngày 25/9, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, triển khai vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích cực đồng hành, tham gia hưởng ứng Tuần lễ.

Tổ chức các hoạt động với nội dung, hình thức học tập phong phú, linh hoạt, thiết thực thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt là giúp học sinh, sinh viên, học viên, phụ huynh, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động xây dựng năng lực tự học.

Tất nhiên, không phải cứ hô khẩu hiệu “hưởng ứng” là “hoàn thành nhiệm vụ”. Và cũng không thể hình thành ý thức “học tập suốt đời” trong ngày một, ngày hai, mà đòi hỏi một quá trình vận động, thúc đẩy, hỗ trợ; càng không phải là việc của vài nhóm người, mà là của mọi người.

Vấn đề đặt ra là, mỗi người cần xác định học tập suốt đời là quyền lợi nhưng cũng là nhiệm vụ của chính mình, nếu không muốn bị tụt hậu. Nhất là khi thế giới thay đổi liên tục nhờ công nghệ như hiện nay, thì việc học cần được dành thời gian thường xuyên hơn.

Cách đây ít hôm, một giám đốc doanh nghiệp tư nhân khoe với tôi rằng đang tham gia chương trình đào tạo vê công nghệ thông tin. Trước đó, anh còn làm tôi ngạc nhiên vì có thể nói chuyện với khách hàng Trung Quốc sau khi kết thúc khóa học tiếng Trung ở một  trung tâm ngoại ngữ.

“Ủa, anh lớn tuổi rồi, học hành chi nữa”- tôi ngạc nhiên hỏi. “Mới U60, mắc chi không học. Doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, ứng dụng nền tảng quản trị mới, chủ doanh nghiệp càng phải học, nếu không muốn bị tụt hậu”- anh nói.

Kể lại chuyện này để thấy, học tập suốt đời phải được thấm sâu, lan tỏa, trở thành nhu cầu tự thân của từng cá nhân, từng tập thể. Mỗi người luôn cần có những hành động mạnh mẽ để phá vỡ những giới hạn hiện tại của tri thức, và không ngừng trau dồi vốn kiến thức cho bản thân.               

Hồng Lam

Chuyên mục khác