Học tập Bác từ những điều giản đơn

06/10/2020 06:04

“Tôi luôn tâm niệm, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm quan trọng; không rập khuôn máy móc, mà tùy vào mỗi công việc, mỗi ngành nghề để có cách áp dụng khác nhau. Điển hình như những người gắn bó với nghề “trồng người” như chúng tôi, việc chăm lo, tạo môi trường giáo dục cho các em học sinh luôn phải được ưu tiên hàng đầu. Làm tốt được điều ấy, chính là học tập và làm theo Bác rồi” - cô Hồ Thị Phương Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Đăk Rve tâm sự.

Tại Trường THCS thị trấn Đăk Rve, Hiệu trưởng Hồ Thị Phương Hồng - người được biết đến là một trong những gương mặt tiêu biểu, đi đầu trong việc học tập và làm theo lời Bác tại đơn vị. Qua quá trình công tác của mình, cô đã đạt được nhiều thành tích: Được Tỉnh ủy tặng bằng khen là “Đảng viên  hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” ( năm 2017); đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” từ năm 2015 đến nay; đóng góp sáng kiến kinh nghiệm, được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Rẫy và Hội đồng sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện công nhận... Vừa qua, cô Hồng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2020. 

Để tìm hiểu rõ hơn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cô Hiệu  trưởng Hồ Thị Phương Hồng, tôi đến Trường THCS thị trấn Đăk Rve. Bước vào cổng trường, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi chính là hình ảnh biểu tượng cột mốc biên giới được nhà trường xây dựng giữa sân trường. Cô Hồ Thị Phương Hồng chủ động giới thiệu:  “Mốc biên giới tượng trưng này, nhà trường xây dựng đã nhiều năm nay. Biểu tượng này chính là hình ảnh trực quan để các thầy cô có thể thường xuyên giới thiệu, giúp các em hiểu rõ hơn về những hy sinh xương máu, công lao cống hiến của bao thế hệ đi trước để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập tự do của đất nước, dân tộc. Vào định kỳ hàng tuần, hàng tháng, nhà trường thường tổ chức cho các em dọn dẹp vệ sinh, nhổ cỏ xung quanh cột mốc biên giới tượng trưng, việc làm đó cũng như một cách nhắc nhở, giáo dục các em về tình yêu quê hương đất nước”.

Hiệu trưởng Hồ Thị Phương Hồng cùng các em học sinh tìm hiểu về Bác tại “Tủ sách Bác Hồ”. Ảnh: T.T

 

Đối với Hiệu trưởng Hồ Thị Phương Hồng, việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” không phải là những gì cao siêu, trừu tượng, mà bắt nguồn từ những điều giản đơn, những việc làm thiết thực nhất, cho dù là rất nhỏ.

Chính vì lẽ đó, trong việc giáo dục học sinh tại trường, cô Hồng luôn lưu ý nhắc nhở các thầy, cô giáo phải đặc biệt quan tâm giáo dục nhân cách, đạo đức cho các em học sinh, rồi mới đến bồi dưỡng những kiến thức văn hoá, khoa học phổ thông. Bằng ý tưởng của mình, năm 2015, cô Hồng đã đề xuất với tập thể hội đồng sư phạm nhà trường xây dựng mô hình “Tủ sách Bác Hồ” để góp phần giáo dục và phát triển nhân cách đối với các em học sinh. Theo đó, vào mỗi giờ ra chơi, hoặc đầu giờ lên lớp, các em học sinh sẽ được đọc và lắng nghe những mẩu chuyện về Bác, về cuộc đời, nhân cách sống và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào mỗi tháng, nhà trường sẽ tổ chức các cuộc thi kể chuyện về Bác đối với các lớp trong nhà trường. Lớp nào có những bạn học sinh kể chuyện hấp dẫn, lôi cuốn sẽ được tuyên dương và lựa chọn để tham gia cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh. Chính vì vậy, phong trào đọc sách và kể chuyện về Bác luôn được nhà trường quan tâm thúc đẩy và có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với học sinh.

Hiệu trưởng Hồ Thị Phương Hồng cho biết: Toàn trường có 317 học sinh, trong đó 180 em là người DTTS. Mô hình “Tủ sách Bác Hồ” là phương pháp hiệu quả và thiết thực nhất để các em có điều kiện tìm hiểu về Bác, học tập và làm theo Bác. “Tủ sách Bác Hồ” ngày càng tăng về số lượng sách do được giáo viên nhà trường và các bậc phụ huynh thường xuyên ủng hộ. Đến nay, sau hơn 5 năm triển khai, “Tủ sách Bác Hồ” đã có hơn 141 đầu sách phục vụ cho các em học sinh. Thông qua các mẩu chuyện về Bác, các em học sinh đã học tập được nhiều điều hay, việc tốt, qua đó lan tỏa những điều tích cực trong nhà trường như: Phong trào giúp đỡ nhau trong học tập “đôi bạn cùng tiến”; các lớp gây quỹ ủng hộ những bạn gặp khó khăn”. 

Thông qua việc học tập và làm theo lời Bác, các em học sinh được giáo dục về tư tưởng, nhân cách, hiểu được tinh thần “mình vì mọi người” để sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia. Điển hình như trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian vừa qua, giáo viên và học sinh của Trường THCS thị trấn Đăk Rve đã vận động được số tiền 2,5 triệu đồng để ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, nhà trường còn vận động giáo viên và học sinh nhà trường may khẩu trang vải (với số lượng 1.200 chiếc) để phân phát cho mọi người, đặc biệt là đối với bà con là đồng bào dân tộc thiểu số cuộc sống còn có khó khăn.

Hiệu trưởng Hồ Thị Phương Hồng chia sẻ: “ Thông qua việc học tập và làm theo Bác với phong trào “Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn”, Trường THCS thị trấn Đăk Rve xuất hiện nhiều học sinh tiêu biểu, được tuyên dương trước toàn trường. Điển hình như em Đỗ Võ Gia Hân đã dành số tiền tiết kiệm nhỏ bé của mình là 406 nghìn đồng để ủng hộ cho mọi người ở khu cách ly ở Trường PTDTNT huyện Kon Rẫy; em Trần Lương Hạ Châu may 300 khẩu trang vải ủng hộ các bạn học sinh của trường”.

Đối với đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường, Hiệu trưởng Hồ Thị Phương Hồng luôn nhắc nhở mọi người trong các cuộc họp giao ban về giữ gìn tư cách, phẩm chất đạo đức của người đảng viên, của một nhà giáo; tích cực đấu tranh chống quan liêu, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, nói không đi đôi với làm; chấp hành tốt nội quy của trường để góp phần chung tay xây dựng nhà trường ngày càng phát triển.

Đi đôi với hoạt động dạy và học, nhà trường cũng luôn quan tâm giúp đỡ các em học sinh và những người có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như trong năm 2019, nhà trường đã phối hợp với giáo viên tổng phụ tránh đội giúp đỡ gia đình em A Lượt bị bệnh với số tiền 2,7 triệu đồng; thăm hỏi 11 gia đình chính sách trên địa bàn thị trấn nhân dịp Tết Canh Tý với mỗi suất quà 200 ngàn đồng.

Có thể nói, Hiệu trưởng Hồ Thị Phương Hồng là một cô giáo, hiệu trưởng gương mẫu trong công tác giáo dục và “trồng người”. Cô là một trong những gương mặt tiêu biểu của huyện Kon Rẫy trong việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 Tất Thành

Chuyên mục khác