Học phong cách lãnh đạo sâu sát của Chủ tịch Hồ Chí Minh

19/03/2018 06:59

Khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên về đạo đức, phong cách công tác. Trong đó, một số yêu cầu về phong cách lãnh đạo mà Người luôn nhắc nhở, đó là: phong cách dân chủ nhưng quyết đoán, lãnh đạo sâu sát, khéo dùng người, trọng dụng người tài, năng động, sáng tạo… Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin đề cập tới việc học Bác ở phong cách lãnh đạo sâu sát.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về phong cách lãnh đạo sâu sát. Theo tài liệu thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, chỉ tính trong 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955-1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện hơn 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội…, từ miền núi đến hải đảo, để thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Mỗi khi đi thăm các cơ sở, Người không cho báo trước vì Người muốn biết thực chất tình hình của cơ sở, chứ không chỉ nghe qua báo cáo… 

Tranh thủ đi thăm, chuyện trò thân tình với các cụ già, gặp gỡ chiến sĩ và đồng bào các địa phương để nắm tình hình và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để từ đó có những quyết sách đúng đắn đã trở thành nếp sống của Người.

Người khẳng định: từ thực tế công tác kiểm tra, Đảng có thể đề ra chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn và tổ chức thực hiện đạt kết quả cao. Kiểm tra không chỉ giúp cho lãnh đạo nắm chắc tình hình, cảnh báo, nhắc nhở cấp dưới kịp thời sửa chữa khuyết điểm, sai lầm, mà còn giúp người lãnh đạo phát hiện những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay để nhân rộng. Người chỉ rõ: lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo. Vì thế, Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ trì, phải thường xuyên coi trọng và thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm cho nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện một cách tốt nhất, thực sự đi vào cuộc sống

Từ tấm gương và bài học Bác để lại về phong cách lãnh đạo sâu sát, soi rọi lại các vụ việc xảy ra trong thời gian qua như: tình trạng các đoàn kiểm tra về cơ sở “trống giong cờ mở”, “cưỡi ngựa xem hoa” còn khá phổ biến; nhiều văn bản pháp luật được ban hành nhưng không đi vào cuộc sống do không sát với thực tiễn, thiếu khả thi, nhiều quy định “từ trên trời rơi xuống” khiến dân dở khóc dở cười; nhiều chủ trương, chính sách có lợi cho dân nhưng về cơ sở vẫn chỉ nằm trên giấy; nhiều khó khăn, vướng mắc của người dân không được phát hiện, giải quyết; đặc biệt có nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận như: tuyển dụng ồ ạt; bổ nhiệm “thần tốc”; nâng đỡ “không trong sáng”; ưu ái trong tuyển dụng, bổ nhiệm người thân, người nhà; quan chức xây dựng biệt thự không phép hoặc sai phép, hay mới đây nhất là việc xây dựng công trình trái phép trong vùng lõi di sản Tràng An (Ninh Bình)…đều có nguyên nhân từ việc cơ quan chức năng, người lãnh đạo, người đứng đầu thiếu sâu sát cơ sở, buông lỏng quản lý, không kiểm tra giám sát hoặc có kiểm tra nhưng không nghiêm túc, chưa chặt chẽ…

Hậu quả đau lòng là khi sự việc bị phanh phui, vỡ lở, hàng loạt cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật, hàng trăm viên chức bị chấm dứt hợp đồng, các trường hợp được ưu ái bổ nhiệm đều bị thu hồi quyết định, các công trình xây dựng không phép, trái phép bị phá bỏ…

Từ những vụ việc trên cho thấy, nếu cấp trên sâu sát cấp dưới, thường xuyên “đi tận nơi, xem tận chỗ” để nắm bắt tình hình, kiểm tra công việc thì những vụ việc sai trái khó có thể che giấu, bưng bít thông tin.

Điển hình như vụ ký tuyển dụng ồ ạt dẫn đến dư thừa hàng trăm giáo viên ở Đắk Lắk. Nếu lãnh đạo sâu sát, kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời, nghiêm khắc thi hành kỷ luật người làm sai ngay từ đầu thì sai phạm sẽ không thể kéo dài liên quan đến ba nhiệm kỳ, từ 2005 đến nay của lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk, cũng sẽ không có tình cảnh hơn 500 thầy cô giáo, trong đó có rất nhiều người đã có thâm niên cống hiến trong ngành giáo dục gần chục năm, đang nơm nớp nỗi lo bị buộc chấm dứt hợp đồng trong nay mai, không biết làm nghề gì để kiếm sống…

Người lãnh đạo, người đứng đầu có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, trong kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ. Lãnh đạo không sâu sát, thiếu thực tế, xa dân, không lắng nghe dân… sẽ để lại những hậu quả khôn lường.

Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp vừa hồng vừa chuyên, có phong cách lãnh đạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trong đó việc học tập và xây dựng phong cách lãnh đạo sâu sát theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

                                                                   Hoàng Thúy

Chuyên mục khác