Học Bác từ những điều bình dị nhất

19/07/2019 13:02

Một số cán bộ trung cao (đã về hưu) được dự buổi sinh hoạt chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Đảng ủy phường tổ chức, khi làm thu hoạch đều thừa nhận học được Bác quả không dễ. Và lâu nay, khi nói về việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không ít người đều cho rằng Bác là lãnh tụ vĩ đại như thế, chúng ta là những công dân bình thường, biết học và làm theo thế nào?

Đôi khi, chúng ta vẫn không tin rằng mình sẽ học tập và làm theo nổi tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh. Vì có những điều rất nhỏ, được Bác thực hiện một cách rất bình thường, rất tự nhiên, mà sao với mình lại khó thế! Học Bác đã khó, làm theo Bác lại càng khó hơn.

Nhưng nghiên cứu về Bác và từ thực tiễn cuộc sống muôn hình muôn vẻ, việc học tập và làm theo thể hiện sinh động ngay từ những điều bình dị nhất, gần gũi nhất.

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Ảnh: TL 

 

Không học được tất cả, chúng ta hãy học từng chút một. Không học được ngay một lúc, hãy cứ học từ từ. Dù vẫn biết những điều thường ngày rất Hồ Chí Minh ấy với bản thân mình có khi chẳng hề đơn giản: Tình yêu thương của Người dành cho dân, cho nước; tấm lòng tận trung, tận hiếu với sự nghiệp cách mạng; sự gương mẫu của một vị Chủ tịch nước; nghệ thuật tập hợp và sử dụng người tài... Nhưng trong vô số điều vừa bình thường vừa phi thường ấy, điều đầu tiên nên học tập và làm theo Bác chính là tinh thần tiết kiệm. Không chỉ tiết kiệm tiền bạc, mà theo Người còn phải tiết kiệm cả thời gian và công sức. Với Bác đến trễ 5 phút không phải là chuyện nhỏ, bởi 5 phút đó phải được nhân lên cho sự chờ đợi của nhiều người. Một vị tướng đến trễ 5 phút, cả đoàn quân của ông ta phải chậm mất hàng trăm, hàng ngàn phút. Suy nghĩ của Bác cho thấy, Người vô cùng quý trọng thời gian, không chỉ là thời gian của bản thân mà còn cả thời gian của người khác, thời gian của tập thể. Chúng ta không chỉ học Bác ở sự đúng giờ, điều quan trọng là học thái độ quý trọng thời gian của Bác.

Sự thực, học tập đức tính của một vĩ nhân không phải là những điều cao xa vời vợi, ngoài tầm suy nghĩ của mình. Tư tưởng của Bác Hồ về giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, về quốc tế vô sản là vấn đề lớn của thời đại, chúng ta đang đi theo tư tưởng đó và tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa trong mỗi chặng đường cách mạng. Còn đạo đức, phong cách của Bác rất gần gũi với nhân dân, bởi Người là lãnh tụ nhưng luôn sống cuộc đời đạm bạc, chan hòa, sống cùng nhân dân. Có rất nhiều câu chuyện về Bác mà bất cứ ai cũng có thể học tập, làm theo. Chẳng hạn, có lần Bác đi thăm một ngôi chùa cổ, vị sư trụ trì ra đón và xin Bác đừng cởi dép khi vào trong chùa. Bác không đồng ý mà lặng lẽ làm theo đúng những quy định như khách thập phương đến lễ chùa…

Gốc rễ của đạo đức, phong cách đó chính là tấm lòng vì nước, vì dân, vì lợi ích quốc gia, vì tập thể của Bác. Trong đời sống chỉ những ai có được đức tính đó, không mưu cầu, vụ lợi cá nhân mới có thể làm được, mới hành động một cách tự nhiên chứ không phải là sự khiên cưỡng, giả tạo. Bất cứ ai để chủ nghĩa cá nhân chi phối, để chủ nghĩa thực dụng lên ngôi, tất không thể nào làm được. Bác chỉ rõ, trong Đảng vẫn còn một số cán bộ, đảng viên đạo đức, phẩm chất thấp kém. Những người này “mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết”. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Chủ nghĩa cá nhân thực sự là kẻ thù nguy hiểm của đạo đức cách mạng, đồng thời cũng là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội.

Đọc lại những mẩu chuyện về phong cách, đạo đức, tác phong, lối sống của Bác để ngẫm và hành động. “Chúng ta học tập và làm theo Bác thực chất là để sống tốt hơn với mình, với gia đình, bạn bè, đồng chí; làm tốt hơn vai trò của người công dân, người cán bộ, đảng viên, người công chức, viên chức, để làm việc hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn…” - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh điều này khi đánh giá hiệu quả việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Võ Năng Nhẫn

 

Chuyên mục khác