Học Bác ở tinh thần tự học, học tập suốt đời

15/08/2023 13:06

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng tự học tập, rèn luyện. Tinh thần tự học và học tập suốt đời của Người luôn là tấm gương sáng ngời để mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng noi theo.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chứng kiến sự thất bại của các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp, như phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du, Nguyễn Ái Quốc đã quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước.

Ngày 5/6/1911, tại Cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, với tên Văn Ba, xuống tàu Latouche-Tréville sang Pháp để đi tìm “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Trên tàu, anh thanh niên Văn Ba làm phụ bếp- một công việc nặng nề nhất, lương thấp nhất. Tất nhiên, với người sinh ra, lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, lại là người Á Đông nên việc làm phụ bếp trên “tàu Tây” không dễ dàng gì, và chắc chắn mọi thứ đều mới mẻ, xa lạ. Nhưng vì để có cơ hội đi ra nước ngoài, có cơ hội được tiếp cận với “nền văn minh” và “tiến bộ của nhân loại”, để có thể tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Người phải vừa học vừa làm.

Người dân làng Kon Tu 2, xã đăk Blà, thành phố Kon Tum vui mừng rước ảnh Bác Hồ vào nhà rông truyền thống. Ảnh: S.C

 

Không chỉ học làm công việc phụ bếp, trong suốt những năm tháng bôn ba ở nước ngoài của mình, Người còn làm biết bao nghề khác nữa như quét tuyết, bốc thuốc, viết báo, viết truyện, chụp ảnh. Dù ở đâu và làm việc gì, Người cũng nêu cao tinh thần học tập, trong đó tự học là chính.

Về tinh thần tự học phải kể đến việc học ngoại ngữ. Người đã tự học được rất nhiều thứ tiếng, từ Pháp, Nga, Đức, Ý, Trung Quốc đến Tây Ban Nha… Nhờ vậy mà Người đã đọc được bản sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc thuộc địa của Lênin đăng trên Báo Nhân Đạo- cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp (ra số ngày 16-17/7/1920), từ đó tìm được con đường giải phóng dân tộc đúng đắn.

Khi tham gia Đại hội VII Quốc tế Cộng sản năm 1935 (tại Liên Xô), Người đã khai trong lý lịch: “Họ và tên: Lin. Trình độ học vấn: Tự học”. Bấy nhiêu đó thôi cũng hiểu được và thấy được tinh thần tự học của Bác. Tinh thần tự học ấy không phải một sớm, một chiều mà là cả một hành trình dài đằng đẳng, Bác phải vừa trải nghiệm, vừa làm, vừa học.

Học qua trường lớp có người giảng dạy đã thấy khó và cần thời gian để thu nạp kiến thức; thì thử hỏi việc tự học, trong điều kiện hoàn cảnh nhiều thiếu thốn như Bác lúc đó sẽ còn khó khăn, gian khổ biết nhường nào.

Cho đến sau này, khi đã về nước lãnh đạo cách mạng, dù bận trăm công ngàn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian để học tiếng đồng bào Tày, Nùng… để tạo sự gắn bó mật thiết với bà con đồng bào, để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền, vận động cách mạng.

Trong di sản cực kỳ quý báu để lại cho toàn dân tộc Việt Nam hôm nay, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có một phần công sức không nhỏ từ việc tự học, tự rèn luyện của Bác.

Bác đã từng căn dặn “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì đào thải, tự mình đào thải mình”.

 
Bà con đồng bào DTTS luôn nỗ lực học tập và làm theo lời Bác. Ảnh: SC

 

Theo Bác, dù là tự học, tự rèn luyện nhưng phải xác định rõ mục đích, động cơ học tập đúng đắn. Xác định rõ mục đích của việc học, mỗi người sẽ có phương pháp, cách thức học tập rõ ràng, phù hợp và mang lại hiệu quả. Bác dạy không phải thấy cái gì học cái nấy, nếu vậy thì kết quả chỉ thu về một mớ kiến thức hỗn tạp, không đâu ra đâu. Phải xác định rõ cốt lõi của tinh thần tự học là nâng cao hiểu biết, phải áp dụng kiến thức được học vào thực tiễn công tác, nghĩa là học phải đi đôi với hành.

Thực tế cuộc sống cho thấy, không phải ai sinh ra cũng giỏi về các lĩnh vực; không phải sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường, ai cũng có cơ hội làm việc đúng ngành nghề mình đã học. Và khi vào công tác tại cơ quan, đơn vị, không phải ai cũng có điều kiện để tiếp tục được học tập đúng chuyên ngành mình công tác. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, bản thân mỗi người phải tự bồi lấp phần kiến thức bị khuyết ấy của mình bằng việc tự học.

Tự học có thể qua nhiều kênh, như từ thực tiễn công tác, từ bạn bè, đồng nghiệp, sách báo và từ nhân dân.

Thực tiễn cho thấy, mặc dù phong trào tự học theo gương Bác Hồ vĩ đại đã được quan tâm, nhưng vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên “học vì bằng cấp”, “học để đối phó”, nên qua loa đại khái, thậm chí buông lơi ý thức, tinh thần tự học vì cho rằng “không giúp ích được gì”, hoặc “đã biết”. Những biểu hiện đó là trái với tư tưởng của Bác về mục đích học tập, cần phải phê bình, sửa chữa, để mỗi cán bộ, đảng viên thực sự là tấm gương về học tập cho quần chúng noi theo.

Trong suốt cuộc đời mỗi con người, việc học là không ngừng nghỉ và tự học là nhu cầu của mỗi con người. Nêu cao tinh thần tự học cũng là cách để mỗi người gạt bỏ tính tự cao, tự đại; việc gì cũng cho mình biết, mình giỏi thì sẽ không nhìn thấy được những hạn chế, khuyết điểm của mình để mà khắc phục, sửa chữa.

Vì vậy, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, mỗi người nhất định phải tự hoàn thiện, học tập suốt đời, trong đó đặc biệt nêu cao tinh thần tự học, tự rèn luyện.              

Sông Côn

Chuyên mục khác