Giữ gìn và phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gắn bó với nhân dân

14/05/2020 06:01

Tư tưởng vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Giữ gìn, phát huy và tiếp tục thực hiện tư tưởng đó của Người có ý nghĩa quyết định sự thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc

Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về gắn bó với nhân dân bắt nguồn từ truyền thống dân tộc. Những quan niệm “tập hợp bốn phương manh lệ”, “trên dưới đồng lòng, cả nước chung sức”, “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, “chở thuyền là dân, lật thuyền là dân” đã trở thành tình cảm tự nhiên, triết lý nhân sinh, phép ứng xử và tư duy chính trị của dân tộc Việt Nam. Phát huy truyền thống dân tộc, năm 1955, Người viết: “... với sự đoàn kết nhất trí của tất cả những người xứng đáng là con Lạc cháu Hồng - Mặt trận nhất định sẽ thành công trong việc đánh tan âm mưu của Mỹ và bè lũ tay sai của chúng và thực hiện hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”.

Tư tưởng gắn bó với nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bắt nguồn từ tổng kết kinh nghiệm của phong trào cách mạng Việt Nam và thế giới. Người chỉ ra nguyên nhân không thành công của các phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là do chưa tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp là các cuộc cách mạng “không đến nơi”, bởi kết quả cuối cùng là chính quyền rơi vào tay một thiểu số người và bảo vệ lợi ích cho một nhóm ít người đó. Hồ Chí Minh nghiên cứu cách mạng Nga, rút ra nhiều bài học về huy động, tập hợp lực lượng từ nhân dân, gắn bó với dân và luôn bảo vệ lợi ích của đa số quần chúng nhân dân.

Với cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định sự cần thiết phải tập hợp quần chúng nhân dân cho phong trào giải phóng dân tộc. Năm 1924, Người viết: “Người ta không thể làm được gì cho Đông Dương nếu không phát huy được chủ nghĩa dân tộc ở họ…”. Vì vậy, phải bắt đầu từ giác ngộ, tổ chức tập hợp quần chúng, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào yêu nước và phong trào công nhân, khơi dậy chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, tập hợp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa, năm 1954. Ảnh: Tư liệu

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi nhân dân là nguồn gốc của mọi sức mạnh. “...Trong bầu trời không gì quí bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”; “Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”. Từ đó, Người chỉ dẫn: Các quyết định, chủ trương được thông qua phải lấy lợi ích của đa số nhân dân làm mục đích; các chính sách được ban hành phải có mục tiêu vì dân; cán bộ, đảng viên, công chức phải là công bộc của dân, “vì nhân dân phục vụ”; các biện pháp thực hiện phải dựa vào sức dân và mang lợi ích cho dân... Điều quan trọng là mọi hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể phải thực sự lấy dân làm gốc, tất cả phục vụ lợi ích của nhân dân.

Để gắn bó với dân, giữ vững mối liên hệ giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải “nhận rõ phải, trái. Giữ gìn lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân. Mọi việc thành hay bại là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”… và cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Phải kính yêu nhân dân. Phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được “kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại”... Người dạy: “Cơm của chúng ta ăn, áo của chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi, nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền ơn xứng đáng cho nhân dân. Chớ vác mặt làm quan cách mạng để dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ”.

Thành tựu qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là nhờ tinh thần lao động tích cực, sáng tạo, trách nhiệm của nhân dân. Hơn 90 năm qua, Đảng ta luôn “gắn bó máu thịt” với nhân dân, thực hiện nguyên lý “nước lấy dân làm gốc”, “sự nghiệp cách mạng là do nhân dân tiến hành”, “nhân dân là người làm ra lịch sử” và phát huy sức mạnh “khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Đây là nguyên nhân chính làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, chúng ta đang đứng trước những thử thách lớn. Đó là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay đã trở thành “vấn đề cấp bách” cần tập trung giải quyết. Một trong những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề cập trong Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là: “tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít” (trang 6) là biểu hiện không trung thực của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Để giữ gìn và phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gắn bó với nhân dân, Đại hội Đảng các cấp cần thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là: “Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng…; quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân”.

Mặt khác, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội theo hướng sáng tạo, thiết thực nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy mạnh mẽ sức mạnh to lớn khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân. Phát huy vai trò, sự tham gia của nhân dân trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Xây dựng và thực hiện phong cách làm việc khoa học, dân chủ, trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân, bám sát thực tiễn, chịu khó học hỏi, nói đi đôi với làm. Phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trực tiếp giao tiếp với nhân dân. Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu dân. Tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Tư tưởng vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam được kế thừa, đúc kết và phát triển qua thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ. Giữ gìn, phát huy và tiếp tục thực hiện tư tưởng đó của Người có ý nghĩa quyết định sự thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc./.                                                                              

Y Phương -  Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy

Chuyên mục khác