19/05/2024 06:52
Thứ nhất, con đường cách mạng Việt Nam là con đường cách mạng vô sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm thấy, lựa chọn, dẫn dắt.
Đứng trước cảnh xâm lược và bóc lột bạo tàn của chủ nghĩa thực dân Pháp, hàng loạt các phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam đã nổ ra nhưng đều bị đàn áp và thất bại, Người đã ra đi tìm đường cứu nước. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười đã đưa Người từ một người yêu nước chân chính trở thành người cộng sản, lựa chọn con đường cách mạng vô sản - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là lựa chọn tất yếu phù hợp với đòi hỏi khách quan của cách mạng Việt Nam, đã được thực tiễn dân tộc kiểm nghiệm tính đúng đắn qua hơn 94 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng.
|
Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện.
Tháng 2/1930, dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng (Trung Quốc). Hơn 94 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng trưởng thành về mọi mặt, trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, củng cố được niềm tin tưởng, ủng hộ của nhân dân.
Thứ ba, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là sự vận dụng mà còn bổ sung và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại mới bằng thực tiễn của cách mạng Việt Nam.
Một là, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận về dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc: Việt Nam là một nước thuộc địa, mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp. Do đó, Nguyễn Ái Quốc chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Đồng thời khẳng định, cách mạng ở các nước thuộc địa trong đó có Việt Nam có thể nổ ra và thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc và tác động trở lại thúc đẩy cách mạng chính quốc. Mặt khác, việc xác định phương hướng của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết thấu đáo vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trên lập trường của Chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng vô sản.
Hai là, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận về Đảng Cộng sản: Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Sự sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh so với chủ nghĩa Mác-Lênin không chỉ bổ sung yếu tố phong trào yêu nước vào sự ra đời của Đảng Cộng sản mà còn cho thấy phong trào yêu nước có khả năng kết hợp với phong trào công nhân, cả hai phong trào cùng một nhiệm vụ và mục tiêu trước mắt là đánh đuổi thực dân, giành độc lập dân tộc.
|
Ba là, vận dụng và phát triển sáng tạo về chiến lược tập hợp lực lượng cách mạng: Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đường lối của cách mạng Việt Nam đi từ giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Động lực cơ bản của toàn bộ sự nghiệp cách mạng đó là đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Bốn là, vận dụng, phát triển nhận thức lý luận về thời kỳ quá độ: Việt Nam từ một nước thuộc địa, quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện đồng thời tiến hành hai chiến lược cách mạng là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Chúng ta phải vừa cải tạo vừa xây dựng, vừa sản xuất vừa chiến đấu. Điều này chưa có tiền lệ. “Đảng Lao động Việt Nam là đảng đầu tiên trong các đảng mácxít trên thế giới áp dụng lý luận này”.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam nói riêng, với kho tàng lý luận cách mạng của thế giới nói chung là vô cùng to lớn, không thể phủ nhận. Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Đấu tranh phòng, chống các luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh là một chủ trương kiên quyết và nhất quán của Đảng ta. Nó gắn chặt với cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng. Để nâng cao hiệu quả, giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này, ngoài huy động, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi người dân, cần phải luôn chú trọng xây dựng và tổ chức phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh chính trị, tư tưởng; các cơ quan lý luận, báo chí, thông tin, tuyên truyền.
Lê Minh Phượng