Chăm lo đời sống cho nhân dân ngày càng tốt hơn

02/08/2019 13:02

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo đời sống cho các tầng lớp nhân dân. Trong Di chúc, Người nhắn nhủ: “Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”…

Vượt khó, ổn định cuộc sống cho nhân dân

Thực hiện Di chúc của Bác, những năm tháng cùng cả nước đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và những năm sau này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể trong tỉnh đặc biệt quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.  

Sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), tỉnh ta có trên 75% dân số là đồng bào DTTS, đời sống của nhân dân còn rất nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, bị bom đạn chiến tranh cày xới, xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được nhu cầu đi lại cũng như phục vụ giao thương, phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Hệ thống trường lớp học còn thiếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; nhiều thôn, làng không có điện…

Đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức, với quyết tâm đem lại cuộc sống mới ổn định cho nhân dân, những năm 1975-1980, Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU; tiếp đó là Nghị quyết 20-NQ/TU, Nghị quyết 03… chỉ đạo tập trung các nguồn lực nâng cao đời sống cho nhân dân, trong đó ưu tiên tổ chức ngay việc cứu đói, cứu đau, cứu lạt, cứu rách cho đồng bào; tổ chức đón dân bị địch dồn về làng cũ, ổn định nơi ăn ở và sản xuất.

Mô hình Hũ gạo tình thương do Hội LHPN tỉnh phát động góp phần chăm lo đời sống cho hộ nghèo. Ảnh: M.T  

 

Thực hiện chủ trương trên, các cấp ủy đảng và chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai các phong trào thi đua lao động sản xuất đạt nhiều kết quả, như: khai hoang, phục hóa, định canh định cư, làm thủy lợi, xây dựng các cánh đồng lúa nước… Bên cạnh đó, chú trọng các hoạt động y tế, giáo dục, như: kịp thời khám bệnh, phát thuốc cứu đau cho nhân dân; tổ chức các lớp bình dân học vụ và bổ túc văn hóa ở xã, thôn…

Tiến tới “ấm no, hạnh phúc”

Sau những năm tháng nỗ lực giúp dân ổn định cuộc sống, là giai đoạn vận dụng sáng tạo những quan điểm lãnh đạo chung của Đảng để chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội như: tập trung đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; quan tâm đầu tư kiên cố hóa kênh mương, đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất…

Sau khi thành lập lại tỉnh (tháng 8/1991), Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chăm lo đời sống nhân dân, trong đó, đặc biệt có hiệu quả là Chỉ thị 10-CT/TU (sau này được thay bằng Nghị quyết 01-NQ/TU, Nghị quyết 04-NQ/TU) về việc mỗi cơ quan, đơn vị cấp tỉnh nhận kết nghĩa, giúp đỡ 1 xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS; mỗi cơ quan, đơn vị cấp huyện kết nghĩa, giúp đỡ 1 thôn, làng đồng bào DTTS.

Tiếp đó là hàng loạt chủ trương khác, như Chương trình số 37-CTr/TU tập trung xây dựng các xã trọng điểm đặc biệt khó khăn; Nghị quyết 01-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020…

Đồng thời, Tỉnh ủy còn quan tâm chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, chính sách do Đảng, Chính phủ ban hành liên quan đến cải thiện đời sống nhân dân vùng sâu, như: Nghị quyết số 30a đầu tư phát triển các huyện nghèo; Quyết định số 229/QĐ-TTg về đầu tư các xã vùng đặc biệt khó khăn; cụ thể hóa Đề án xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, Đề án giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều và phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”…

Với sự quan tâm lớn lao của các cấp ủy, chính quyền, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận. Đến nay, tỉnh ta đã không còn hộ đói; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 17,29% (cuối năm 2018); gần 90% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% số hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; 100% số huyện, thành phố hoàn thành xóa mù chữ và đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục THCS; 100% số hộ nghèo, DTTS đều được cấp thẻ BHXH và 100% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế đáp ứng tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân...

Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh được chú trọng đầu tư xây dựng. Đến nay, mạng lưới đường liên huyện, liên xã được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 98%; lưới điện quốc gia đã đến được 100% trung tâm các xã, trên 98% số thôn, làng đã được hòa lưới điện và tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới lên tới 99%; 18/86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Có thể nói, lời Bác căn dặn trong Di chúc: “Ðảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, đã được Ðảng bộ và các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh nỗ lực, phấn đấu thực hiện và thực hiện hiệu quả, từ đó nâng cao đời sống người dân, từ “đủ ăn đủ mặc” tiến tới “ấm no, hạnh phúc”; rút ngắn khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng ổn định và phát triển một cách bền vững…       

Mai Trâm

Chuyên mục khác