Nhọc nhằn nghề lau mộ

31/05/2021 06:05

“Khu nghĩa trang ở Kon Tum sạch, đẹp và khang trang quá!” - anh bạn tôi đã thốt lên khi đến khu Nghĩa trang nhân dân thành phố Kon Tum (phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum). Đằng sau các ngôi mộ luôn được giữ gìn sạch sẽ là giọt mồ hôi của những người làm nghề lau dọn mộ phần…

Công việc mưu sinh

Như mọi lần, trải qua bao trận mưa nắng, khi chúng tôi đến thăm, mộ ông, bà tôi ở Nghĩa trang nhân dân thành phố Kon Tum vẫn được giữ sạch sẽ, thành mộ không chút bùn đất vương bẩn.

Ông tôi mất cách đây hơn 8 năm, cũng là khoảng thời gian chị Nguyễn Thị Út (thôn 1B, xã Đăk La, huyện Đăk Hà) gắn bó với phần mộ của ông. Theo mẹ tôi kể lại, khi mộ ông vừa hoàn thiện, người quản trang đã giới thiệu chị Út cho gia đình với công việc lau dọn phần mộ. Và cũng từ đó, chị Út như “người thân” của ông, bà với trách nhiệm lau dọn “nhà cửa”.

Đốt xong nén hương, nghe tiếng loạt xoạt, tôi ngoái lại, thấy một người phụ nữ mảnh mai đang lom khom, tay xách, nách mang “đồ nghề” lau mộ. Dù trời đã chạng vạng, lại trùm bộ đồ lao động kín mít, tôi vẫn nhận ra chị Út qua đôi mắt đượm buồn.

Tôi lên tiếng: Chị Út phải không, là em này, chị vẫn còn lau mộ sao, không phải mấy năm trước chị có ý định đổi nghề rồi à?

Nhận ra người quen, chị Út mở khẩu trang, giãn nét mặt: Em đó à, lâu ngày mới gặp.

Nhọc nhằn công việc lau mộ ở Nghĩa trang thành phố Kon Tum. Ảnh: V.T

 

Hơn 5 năm, tôi mới gặp lại chị Út, cũng ngay tại phần mộ ông bà. 5 năm, đủ để chị Út không còn nhận ngay ra tôi và đủ để tôi nhận ra sự thay đổi của chị, từ một người phụ nữ đầy đặn trở nên gầy gò, da sạm đen, nếp nhăn xếp dày dưới mí mắt. Nhưng có một thứ không thay đổi, ấy là chị vẫn nhọc nhằn, bám trụ với cái nghề lau dọn phần mộ để mưu sinh.

Ngồi bệt xuống thềm, dựa lưng vào thành mộ, chị Út thở dài: Vợ chồng tôi kết hôn từ năm 2002, bố mẹ cho mảnh đất ở cây số 9 (đoạn đường Hồ Chí Minh qua thành phố Kon Tum - PV) làm quà cưới. Lấy nhau về, hai vợ chồng chuyển lên đó ở riêng và lập nghiệp. Chồng tôi làm thợ nề, chuyên xây dựng “nhà” cho người đã khuất, còn tôi theo chồng làm phụ hồ. Công việc phụ hồ không phù hợp với phụ nữ, càng làm càng không đủ tiền mua thuốc, nên tôi chuyển sang lau dọn mộ.

Không ai biết chính xác công việc lau dọn phần mộ có từ khi nào, chị Út chỉ biết rằng, từ khi những ngôi mộ được xây kiên cố, khang trang, ốp lát gạch men là lúc công việc lau dọn mộ phần xuất hiện.

Nói rồi, chị Út chỉ tay sang các đồng nghiệp khác đang lau dọn các phần mộ gần đó: Không chỉ riêng chị, nhiều chị em phụ nữ ở đây cũng “đèo bòng” cái nghề lau dọn phần mộ hơn chục năm nay. Đa số chị em phụ nữ làm nghề này đều sống quanh quẩn khu vực nghĩa trang, không rẫy vườn hay công việc ổn định. Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền buộc chúng tôi phải tìm đến và bám trụ với công việc lau dọn mộ phần.

Chị Út nhớ lại, hơn 10 năm về trước, tùy theo từng ngôi mộ, thù lao mà người lau phần mộ nhận được dao động từ 50.000-70.000 đồng/tháng, lúc đấy còn ít người biết đến công việc này nên thu nhập chỉ đủ bươn trải trong gia đình, không chút dư giả.

Còn bây giờ, tiền thù lao cũng tăng lên 70.000-100.000 đồng/tháng, chị Út hiện đang nhận lau 150 phần mộ, trừ chi phí lo cho gia đình, hằng năm chị vẫn dư được chút ít làm của để.

“Ai cũng biết lau dọn mộ cực nhọc, ẩn chứa nhiều nguy hiểm, mầm bệnh… nhưng không chọn nghề này thì biết làm gì bây giờ; đi làm xa thì ai lo cho con cái, rồi ba mẹ già ai chăm. Thế nên cứ bám trụ mà làm, mà sống” - chị Út thổ lộ.

Chát mặn mồ hôi

Thấy tôi rút máy ảnh ra, chị Út đưa tay lên che mặt, lắc đầu: “Nói chuyện thì được, đừng có chụp ảnh, lỡ người thân ở xa thấy được lại phiền phức lắm”.

Chị Út năm nay bước sang tuổi 38, cái tuổi vẫn đang “nhuận sắc” của người phụ nữ, thế nhưng người phụ nữ này lại trở nên xuề xòa, trông già hơn nhiều so với tuổi. Tôi vẫn còn nhớ chị Út của những năm trước, là người phụ nữ khỏe mạnh, dáng vóc đẹp, săn chắc, nhanh nhẹn, đủ để làm bao anh thanh niên xiêu lòng, đưa mắt nhìn theo. Có lẽ vì cái nghiệp của nghề lau dọn phần mộ đã khiến chị ngày càng trở nên hốc hác hơn. Cũng phải thôi, không gầy ốm sao được khi chị làm “osin” cho hơn cả trăm ngôi mộ, vục mặt lau dọn nơi nghĩa địa quanh năm suốt tháng.

“Dăm bữa, nửa tháng, nhất là những ngày trái gió trở trời, xương khớp đau ê ẩm, ăn không nổi cũng cố lau dọn, vì không ai biết được người thân sẽ đến thăm mộ khi nào, nếu họ thấy phần mộ không sạch sẽ không hài lòng, gặp người khó tính thậm chí không trả tiền tháng đó” - chị Út tâm sự.

Không có bất cứ quy định nào về việc trả tiền cho người lau mộ, đa số thân nhân các ngôi mộ thanh toán vào cuối năm, chủ động gọi người lau dọn mộ đến lấy tiền tại nghĩa trang hoặc nhà riêng của họ. Tiền thù lao là do hai bên tự thỏa thuận, thế nhưng… vẫn có một số người “quên” không trả. 

Hiệp (trái) và Ly đều theo mẹ lau mộ từ năm lớp 4, hai em đều ước mơ sau này sẽ tìm được việc khác ổn định hơn. Ảnh: V.T

 

Chị Út kể, không riêng chị, nhiều người lau mộ ở đây năm nào cũng chịu cảnh bị “quỵt” tiền thù lao. Có một số ngôi mộ do người thân lên thăm đúng lúc chị chưa kịp lau dọn nên cho rằng chị không lau nên không trả tiền; một số gia đình ở xa, một năm lên thăm một lần, nếu không gặp được sẽ đợi năm sau, nhiều năm dồn lại, số tiền tăng cao nên họ “lơ” luôn; một số trường hợp thì cho số điện thoại sai, hoặc thay số điện thoại, đến cuối năm những người lau mộ gọi lấy tiền không được, chỉ còn cách chực chờ thân nhân đến thăm để lấy trực tiếp.

Để giữ gìn những ngôi mộ luôn sạch sẽ, đòi hỏi người lau mộ phải có kĩ thuật lau. Trung bình một ngày, một người lau dọn hơn 50 phần mộ. Không có một lớp đào tạo nào về công việc lau dọn phần mộ, tự mọi người truyền tai nhau, từ dụng cụ đến cách lau. Mỗi người lau mộ đều có 3 cái khăn, 1 cái lau móng, 1 cái lau thành mộ và 1 cái lau phần tủ mộ.

Với nhiều người, trời mưa là niềm vui, đối với người lau mộ, trời mưa như một “cực hình”. Mưa càng to, bùn đất càng lấm lem dưới nền móng, lá cây rơi vương vãi khắp nơi. Trời mưa đường đi trơn trượt, đã vậy đi làm phải đèo theo thùng nước sạch từ nhà lên để lau. 

“Nhiều lần, cơ thể đang yếu, gặp trời mưa, hơi đất bốc lên, tôi về sốt liền mấy hôm. Tôi ghét nhất thời tiết đang nắng bỗng dưng đổ mưa, thế là bùn đất lại bám đầy, lại phải còng lưng ra mà dọn” - chị Út bộc bạch.

Ước mơ đổi nghề

Công việc lau mộ nhọc nhằn, không “bóng bẩy” như những công việc khác, thế nhưng nhiều đứa trẻ, đang tuổi ăn tuổi học đã theo chân mẹ đi làm, để rồi nghỉ học… đi lau mộ.

Chị Út chỉ tay sang 2 đứa nhỏ cùng xóm, đang lau khu mộ đối diện: 2 đứa đó là bạn với nhau, mẹ chúng nó đều đi lau mộ, 2 đứa đều theo mẹ lau mộ từ nhỏ, có 1 đứa đã phải nghỉ học vì gia đình không nuôi nổi.

Qua lời kể, em Trần Lê Hiệp (17 tuổi) là con gái út của chị Lê Thị Kim Loan (thôn 1B, xã Đăk La) đã phụ mẹ lau mộ từ năm lớp 4. Ba Hiệp là người chuyên chở nước cho thợ xây trên nghĩa trang nhưng không may mắc bệnh gan đã qua đời. Năm lớp 9, Hiệp phải nghỉ học đi lau mộ để trả hết số tiền mà gia đình vay mượn chạy chữa cho ba.

3 năm qua, trong khi các bạn cùng trang lứa được cắp sách đến trường, còn em mọi ngày đều đặn từ sáng đến chiều cặm cụi bên những phần mộ với mong muốn trả hết số nợ mà mẹ mình đang gánh. Từ ngày em nghỉ học, mẹ Hiệp “bàn giao” lại cho em 150 phần mộ mà bà đang quản lý, còn mẹ Hiệp chuyển sang làm phụ hồ.

Hiệp kể, nhà có 4 anh, chị, em, 3 người đã gắn bó với công việc trên nghĩa trang. Vì nhà em nghèo quá, mẹ không nuôi nổi nên em mới nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Số tiền mà Hiệp kiếm được mỗi năm đều đưa mẹ trả nợ.

“Ước mơ của em là làm nhân viên pha chế, xem trên mạng thấy các anh pha chế biểu diễn các kỹ thuật mà em thích quá. Vài năm nữa, em trả hết nợ, rồi dành một khoản tiền ra Đà Nẵng học nghề, chứ làm nghề này em không thấy có tương lai, nhiều người xem thường” - Hiệp quyết tâm.

Cùng lau dọn mộ với Hiệp là cô bạn cùng xóm Nguyễn Ngọc Cẩm Ly, năm nay vừa lên lớp 10. Ly theo mẹ lau mộ từ năm lớp 4, đến nay đã được 6 năm trong nghề. Khi được hỏi về tương lai em học gì, cô bé trầm ngâm nhìn ra xa, thở dài lắc đầu: Em may mắn hơn chị Hiệp, được gia đình nuôi ăn học, nhưng vì điều kiện gia đình chắc em sẽ không học đại học. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, em sẽ phụ mẹ lau dọn mộ thêm vài năm, để dành được khoản tiền rồi mới dám tính đến chuyện học nghề.

Cũng như Hiệp và Ly, khu nghĩa trang là nơi mưu sinh của nhiều gia đình, nhiều thế hệ. Nhìn xa xa, nhiều đôi vợ chồng trên xe chiếc xe máy cũ kỹ, những đứa nhỏ đang tuổi ăn, tuổi lớn tay xách xô, tay mang chổi, khăn… len lỏi giữa các phần mộ. Tất cả đều vì kế sinh nhai, dẫu sao những giọt mồ hôi của họ đã giúp cho những ngôi mộ luôn sạch đẹp, góp phần nhỏ bé giữ gìn cảnh quan, sự trong lành của môi trường.

VĂN TÙNG

Chuyên mục khác