Mưu sinh trên đồng mía

17/01/2022 06:01

Những ngày này, không khí vụ thu hoạch mía diễn ra nhộn nhịp trên khắp các đồng mía ở vùng ven thành phố Kon Tum. Người chặt, người bó, người khuân vác rồi chở mía từ ruộng đến nhà máy. Các công việc này đều do những người dân chặt mía thuê đảm nhận. Dù vất vả, khó khăn, nhưng họ vẫn cần mẫn, không quản ngại để kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình.

Mặn chát mồ hôi

Thành phố Kon Tum là một trong những vùng trồng mía trọng điểm của tỉnh ta. Những ngày này, ngang qua các cánh đồng mía chạy dọc 2 bên bờ sông Đăk Bla, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người dân đang thu hoạch mía cho kịp thời vụ.

Dưới những đám mía cao quá đầu người, tiếng chặt phập phập, tiếng lá mía cọ vào nhau xào xạc, tiếng người gọi nhau í ới. Tốp thợ cần mẫn chặt từng gốc cây, phát ngọn, rồi bó thành từng bó gọn gàng. Khi xe đến, những người bốc vác hô hào nhau, ào ào chạy tới bốc từng bó mía chất lên xe để chở về nhà máy. Đa số họ đều là lao động ở các xã ngoại thành thành phố Kon Tum đi chặt, vác mía thuê.

Giữa trưa, nắng “cháy da cháy thịt”, nhưng A Choắt (thôn Kon Rờ Bàng I, xã Vinh Quang) cùng với 7-8 người khác vẫn đang miệt mài chặt mía. Thấy có người hỏi thăm, A Choắt mới dừng tay nói chuyện, rồi tranh thủ nghỉ ngơi, ăn cơm để có sức tiếp tục công việc.

 
Dù nắng chang chang, những người thợ vẫn cần mẫn chặt mía. Ảnh: T.H

 

Khuôn mặt cháy đen vì nắng, áo đẫm mồ hôi, A Choát cho biết: Mỗi ngày, 4 giờ sáng là 2 vợ chồng phải dậy chuẩn bị cơm nước để ăn sáng và mang theo ăn buổi trưa. Với hành trang là 2 con rựa, cặp lồng cơm và bình nước uống, tờ mờ sáng là 2 vợ chồng em chạy xe tới ruộng mía bắt đầu 1 ngày làm việc. Việc chặt mía nhìn thì đơn giản vậy, nhưng đòi hỏi người làm phải có sức khỏe tốt, cần cù, chịu khó và chịu đựng được ngứa ngáy do lông mía gây ra.

Một ngày làm việc của các thợ chặt mía thường bắt đầu từ khoảng 6 giờ sáng đến tối mịt. Họ mang theo cơm để ăn trưa ngay tại ruộng, kiếm chỗ nghỉ tạm chừng 30-45 phút rồi lại làm. Để tiện giúp đỡ nhau, những người chặt mía thuê thường tập hợp thành nhóm cùng làng hoặc bạn bè, anh em cùng làm.

Là người có “thâm niên” trong nghề chặt mía thuê hơn chục năm nay, chị Y Lát (thôn Plei Groi, xã Chư Hreng) chia sẻ: Chặt mía vất vả lắm, nhất là với phụ nữ. Phơi mình dưới nắng cả ngày, những người mới làm chưa quen chịu nắng, có khi choáng váng, ngất xỉu ngoài ruộng. Khi chặt phải đeo găng tay bảo hộ, nếu không hai tay chai sạn, rồi phồng rộp lên. Chặt không cẩn thận lắm lúc còn bị rựa phang vào chân nữa.

Những người bốc vác mía lên xe thì khác, họ không làm việc liên tục như thợ chặt, nhưng khi xe đến thì phải bốc cật lực để kịp chuyến, cũng không kể ngày hay đêm cứ có xe tới là phải bốc. Họ thường chia theo nhóm, nếu xe to thì 10-11 người, xe nhỏ thì  5-6 người đảm nhận, bốc xong, chằng dây chặt chẽ rồi mới nghỉ .

Gia nhập “đội quân” bốc vác mía thuê từ nhiều năm nay, giờ đã lên chức “tổ trưởng”, anh A Phẻ (làng Kon Rờ Bàng I, xã Vinh Quang) tiết lộ: Mình làm nhiều năm nên các chủ vườn đều biết, đầu vụ có lịch chặt mía là họ liên lạc với mình, thống nhất giá cả. Đến ngày chặt mía, mình sẽ tập hợp anh em đi làm, hết đợt chịu trách nhiệm lấy tiền công về chia cho mọi người, đảm bảo công bằng, đầy đủ. Những người chặt mía chỉ làm vào ban ngày còn dân bốc vác tụi em thì không có giờ giấc nào cả, cứ xe tới là bốc thôi. Có khi nửa đêm cũng phải chạy tới, có bữa đang ăn cơm cũng bỏ dở để làm.

Những người làm việc bốc vác mía đa phần là đàn ông. Ngoài tiêu chí sức khỏe thì họ còn phải chịu được lá mía cứa vào cổ, lông mía rụng vào người ngứa ngáy và còn bị cả kiến cắn đỏ cả cổ, mặt. Chưa kể, vác mía đi trên lớp lá khô rất trơn trượt, bên dưới là gốc mía vừa chặt sắc nhọn không cẩn thận rất dễ bị đâm vào chân.

Dưới cái nắng chang chang, những lần áo cứ ướt rồi khô, nhưng những người bốc mía vẫn rất vui. Họ chỉ mong trời nắng, bởi nếu không may gặp phải trời mưa hoặc sau cơn mưa thì thật đáng sợ hơn, xe không đi xuống tận ruộng được, phải vác xa vừa tốn sức vừa tốn công.

Nghề thời vụ - thu nhập khá

 Chặt mía, vác mía tuy vất vả, nhưng bù lại công việc này cũng mang lại thu nhập khá cho người làm nên ai cũng mong có việc làm để có thêm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình.

Hiện tại, công chặt mía là 2.000 đồng/bó, mỗi bó mía từ 14-15 cây. Những người quen nghề, chặt nhanh, mỗi ngày có thể chặt được khoảng 150 – 160 bó, người mới làm thì chặt được 80-100 bó/ngày. Tính ra ngày công của người chặt dao động từ 160.000-320.000 đồng/ngày, tùy khả năng chặt của mỗi người.

Theo chị Y Mát (thôn Đăk Prông, xã Chư Hreng), mọi năm các chủ vườn chỉ khoán khoảng 1.500-1.700 đồng/bó thôi, nhưng năm nay giá bán mía  nguyên liệu tăng nên công khoán cho người chặt cũng tăng lên. Nhờ đó, người lao động chúng tôi cũng có thu nhập khá hơn. Phụ nữ yếu thì kiếm được khoảng 200.000 -250.000 đồng/ngày, còn đàn ông có sức khỏe thì được nhiều hơn.

Những chiếc xe chở đầy mía rời khỏi ruộng. Ảnh: T.H

 

Còn chị Y Tuyên (thôn Kon Rờ Bàng I, xã Vinh Quang) thì kể: Các năm trước chỉ có chồng em đi chặt, bốc mía thôi, nhưng năm nay thấy công cao nên em cũng đi làm. Đợt này, ruộng rẫy cũng chưa đến mùa nên vợ chồng em cố gắng tranh thủ kiếm thêm ít tiền sửa sang lại cái nhà. Nếu làm cật lực thì một ngày 2 vợ chồng cũng kiếm được khoảng 500.000 đồng. Đây có thể nói là mức thu nhập cao đối với người lao động chúng em.

Khi được hỏi về khoản thu nhập từ công việc bốc vác mía, A Phẻ  cho biết: Làm công việc bốc mía lên xe tuy giờ giấc có chút thất thường, vất vả hơn so với nhiều việc khác, nhưng được cái thu nhập cũng ổn. Bình quân, mỗi người cũng kiếm được khoảng 250.000 -300.000 đồng/ngày, ai chịu khó có thể nhiều hơn chút đỉnh. Không giống với công chặt, hết ngày là lấy tiền, còn tụi em thì phải đợi khi nào chủ vườn nhập mía cho nhà máy xong xuôi, có phiếu cân rồi mới tính tiền, thông thường là 1 tuần đến 10 ngày  lấy một lần. Nhờ thế, mỗi đợt tụi em cũng để ra được 1 khoản kha khá.

Toàn tỉnh hiện có gần 1.000ha mía. Các năm trước, vào mùa mía, lao động từ các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi lên làm thuê, nhưng năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên hầu như không có lao động từ nơi khác tới làm. Nhờ thế công việc của các lao động tại chỗ cũng nhiều hơn, giúp họ có thêm thu nhập. Trong bối cảnh cả năm vừa qua, người lao động đã phải vất vả, khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến công việc, thu nhập bị giảm sút thì công việc này thực sự quý giá đối với họ.

Dù mới tờ mờ sáng, khi mặt trời đứng bóng hay tận đêm, những người làm nghề chặt, vác mía thuê vẫn hăng hái làm việc. Vụ thu hoạch mía không kéo dài, chỉ khoảng 1,5 tháng lại rơi vào đúng thời điểm nông nhàn nên các lao động đều đang tranh thủ làm kiếm thêm nguồn thu để trang trải cho cuộc sống.

Thùy Hương

Chuyên mục khác