Đổi thay từ Cuộc vận động

02/05/2022 06:15

Không còn nghi ngờ gì nữa, với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, qua hơn một năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy giúp đồng bào DTTS xóa bỏ hủ tục, quan niệm lạc hậu và thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, góp phần tạo ra tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Không tin thầy bói và bỏ hủ tục, quan niệm lạc hậu

Là trụ cột trong nhà, A B, làng Điệp Lôk, xã Ya Tăng bị đau nặng. Gia đình A B lo lắng đi xem bói áo (đem áo của người muốn xem bói thường mặc hàng ngày để thầy bói phán – một hình thức bói toán của người Gia Rai). Qua xem áo, thầy bói cho rằng A B bị Giàng phạt nên bị đau, muốn hết bệnh, gia đình phải mổ trâu, mổ bò cúng mới khỏi. Nhà A B không có trâu, bò. Mua trâu, bò thì phải có nhiều tiền, trong khi nhà A B không có gì đáng giá để bán kiếm tiền, rẫy mì thì chưa đến lúc thu hoạch. A B và vợ con lòng dạ  rối bời.

Miên man suy nghĩ, A B tâm sự với Y Loan (Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã) về việc mình bị đau và đi xem bói áo. Lắng nghe A B tâm tình, Y Loan liền khuyên nhủ: Đến nhà thầy bói xem bói áo, ai thầy bói cũng bảo phải làm thế này, phải thế kia... Anh bị đau thì phải đi bệnh viện, bác sĩ xem bệnh và cho thuốc chứ. Việc xem bói áo là mê tín, là quan niệm lạc hậu!

Nghe Y Loan khuyên chí phải, A B như gỡ được mối lo trong lòng và quyết định đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Ở bệnh viện, các bác sĩ khám, chụp phim, siêu âm… phát hiện ra A B bị đau thận. Nằm bệnh viện một thời gian, A B đỡ bệnh và được xuất viện. Hết bệnh về làng, gặp lại Y Loan, A B cười tươi và cảm ơn Y Loan có lời khuyên nhủ hay và đúng. Gia đình A B không mất trâu, mất bò để cúng và việc hết bệnh của mình là nhờ bác sĩ khám và điều trị. Từ đó, A B không còn tin thầy cúng nữa. Gia đình A B có người đau là đến trạm y tế xã hoặc bệnh viện.

Trong quá trình vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, A Thủy- Trưởng thôn làng Trấp khẳng định: Trước đây, người Gia Rai đưa lúa từ rẫy về nhà cũng cúng, thu hoạch xong cũng cúng. Bà con quan niệm, việc cúng để mời Giàng ăn trước, mình ăn sau, Giàng sẽ phù hộ cho năm sau lại được mùa. Còn việc tổ chức lễ Pơ thi (bỏ mả), bà con thường đâm trâu cúng người thân đã mất. Các phong tục, tập quán trên đang từng bước thay đổi cho phù hợp, riêng lễ bỏ mả, bà con tổ chức gọn lại, không mổ trâu, mổ bò tốn kém như trước nữa.

“Để có các sự chuyển biến trên, xã chủ trương trong các cuộc họp thôn, làng, thôn trưởng, bí thư chi bộ, ban công tác Mặt trận thôn và trưởng các đoàn thể vận động người dân thực hiện Cuộc vận động theo kế hoạch đã xây dựng. Người dân nhận thức ra và từng bước xóa bỏ các quan niệm, tập quán lạc hậu như: ốm đau không cúng bái, không đến thầy bói; cưới xin, ma chay, hội làng… được tổ chức gọn lại, không kéo dài nhiều ngày như trước. Đây là những tín hiệu vui từ việc thực hiện Cuộc vận động”- Y Loan chia sẻ.   

Đột phá kinh tế

Trong quá trình thực hiện Cuộc vận động, việc phát triển kinh tế, xã huy động các nguồn lực, thực hiện các mô hình và đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cho người dân sản xuất.

Ở làng Điệp Lôk, chị Lang Thị Nguyệt (dân tộc Thái) được hỗ trợ thực hiện các mô hình bộc bạch: Từ nguồn vốn vay và cùng với sự hỗ trợ mô hình, năm vừa qua, gia đình tôi nuôi và xuất chuồng gần 70 con heo thịt và heo con, thu về 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 100 triệu đồng. Riêng 4 con heo rừng lai từ mô hình, gia đình đang tiếp tục nuôi để làm giống. Cùng với nuôi heo, hàng năm, gia đình còn nuôi 700 con gà, vịt (cả nuôi lấy trứng và thịt). Qua đó, gia đình thu về 100 triệu đồng/năm (trừ chi phí còn lãi 50 triệu đồng/năm) từ việc bán thịt, trứng gà và vịt. 

Cơ sở nuôi heo rừng lai và heo siêu nạc của chị Nguyệt. Ảnh: VN

 

Bên cạnh chăn nuôi, chị Nguyệt còn đang thực hiện mô hình 0,5ha mít Thái. Từ nguồn cây giống do huyện hỗ trợ và sự chuyển giao kỹ thuật trồng, chị Nguyệt dùng phân gia súc, gia cầm ủ với nước sinh học làm cho phân nhanh hoai mục, tăng lượng vi sinh vật trong đất có lợi cho cây trồng và tăng độ phì của đất. Trong vườn, chị lắp đặt hệ thống tưới nước cho cây mít. Chính vì vậy, vườn mít sum sê xanh tốt, tuy mới trồng hơn 1 năm đã cho quả. Cùng với đó, vợ chồng chị còn nhận cạo thuê 6ha cao su. Nguồn thu từ cạo mủ cao su, giúp gia đình chị có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Từ cuộc sống khó khăn ngày nào, đến nay, gia đình chị Nguyệt có cuộc sống ổn định và khá giả.

 
Mô hình mít Thái ở xã Ya Tăng hơn 1 năm đã cho quả. Ảnh: VN

 

Trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, việc phát triển cây lâm nghiệp, phủ xanh đất trống, đồi trọc bạc màu ở xã đang được phát triển mạnh. Trưởng thôn A Thủy đưa tôi thăm những dãy đồi đất dốc trước đây bà con làng Trấp trồng mì bạc màu, nay được thay bằng những đồi bạch đàn xanh tốt, vươn những chồi non hồng tươi trước nắng gió.

“Đất dốc bạc màu này nếu để trồng mì sẽ không hiệu quả. Được sự quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện của huyện, xã trong việc hỗ trợ cây giống, phân bón, chúng tôi vận động người dân thực hiện mô hình trồng rừng sản xuất. Theo đó, trong năm 2021, làng Trấp trồng mới 15ha rừng sản xuất, nâng tổng diện tích rừng trồng ở làng lên gần 100 ha. Cây bạch đàn sinh trưởng tốt và đang mở ra hướng giúp dân giảm nghèo, nâng cao đời sống”- A Thủy tự tin cho biết.

A Thủy giới thiệu về mô hình bạch đàn trồng ở đồi núi làng Trấp. Ảnh: V.N

 

Bí thư Đảng ủy xã Trương Văn Thiệt cho hay, để giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, Đảng ủy xã chỉ đạo Mặt trận chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên, ký kết chương trình và phối hợp với UBND xã triển khai thực hiện Cuộc vận động. Theo đó, ngoài việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, cả hệ thống chính trị ở xã tranh thủ các nguồn lực, vận động, hỗ trợ, góp phần chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân đột phá trong việc thực hiện các mô hình kinh tế: nuôi heo rừng lai, trồng rừng sản xuất (bạch đàn, gáo vàng), cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả (mít Thái, sầu riêng, bơ) và đánh bắt cá bằng rớ tại lòng hồ thủy điện Ya Ly. Cùng các mô hình có hiệu quả từ những năm trước, việc thực hiện Cuộc vận động này thông qua các mô hình trên đã góp phần tạo ra những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác