Chuyện vui ở xã Xốp

05/12/2016 08:51

Tôi vào xã Xốp khi những cánh rừng đã bắt đầu xào xạc gió khô hanh. Cuối tháng 11 rồi, nhưng gió núi chưa hừng hực cuốn theo bụi đất mà nhẹ thổi qua những nóc nhà. Dòng Đăk Mỹ miệt mài chảy vào thời gian, chảy qua năm tháng, con nước xoáy tròn vào đá, chững lại như ngẫm nghĩ, rồi buông rời đá mà xuôi dòng, miên man kể những chuyện vui ở Xốp...

Ở hai đầu cây cầu bê tông bề thế bắc ngang dòng Đăk Mỹ nối Đăk Choong với Xốp vẫn còn vương bùn đất. Dấu tích của những ngày mưa tầm tã bởi ảnh hưởng bão số 4 hồi đầu tháng 11 đấy, may mà cầu tốt, đường vẫn thông- Chủ tịch xã A Ruổi nói khi đón tôi ngay đầu cầu.   

Tôi xuống xe, dắt bộ qua cầu, nghe gió núi thổi u u qua gầm cầu mà chộn rộn nhớ lại những lần cùng anh A Thanh Sắc- hồi ấy làm ở Phòng Lao động-Thương binh và xã hội huyện Đăk Glei- từ Đăk Choong lội sông Đăk Mỹ và Xốp. Ấy là những năm 2001-2002, khi Xốp mới thành lập.

Được thành lập tháng 7/2001, xã Xốp- nơi có làng kháng chiến Xốp Nghét và Anh hùng Đinh Môn, nổi tiếng qua tác phẩm “Rừng Xà Nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành trong hình tượng cụ Mết- nằm lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ như một “ốc đảo”. Muốn vào xã Xốp chỉ có một con đường: từ ngã ba Đăk Tả, đi đến xã Đăk Choong, rẽ ngang, băng qua sông Đăk Mỹ là đến.

Hồi ấy, nếu chặng đường từ ngã ba Đăk Tả vào đến Đăk Choong mới làm người ta ngại, thì chuyện vượt sông Đăk Mỹ để vào Xốp đủ làm người ta...ngán. Mùa khô, dòng sông cạn trơ đáy, cán bộ huyện, tỉnh xuống xã công tác, cán bộ xã ra huyện họp hành có thể lội qua, dân làng có thể cõng lúa, bắp ra trung tâm huyện bán. Mùa mưa, nước sông dâng cao thì chịu, gấp lắm thì phải bỏ xe lại bên bờ sông rồi...bơi qua.  

Theo Chủ tịch xã A Ruổi, cũng vì cái “rào chắn thiên nhiên” ấy mà nhiều đời qua, người dân Xốp cứ nghèo mãi, dù là vùng đất có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc. Khác hẳn với Đăk Choong, Mường Hoong, Ngọc Linh, đất đai ở xã Xốp màu mỡ, phì nhiêu, được tưới tắm bởi chằng chịt sông, suối, chỉ cần cắm cây lúa, gieo hạt bắp, vùi hom mỳ xuống là cũng có cái ăn.  

Thành ra, hộ đói ăn thì không, nhưng hộ nghèo thì nhiều, bởi hạt lúa, hạt bắp, củ mỳ làm ra chẳng biết mua bán, đổi chác với ai. Muốn tiêu thụ, bà con phải cõng bộ, lội sông ra tận huyện, mấy chục cây số đường rừng, tiền bán được không đủ để ăn đường. Nhớ lại mà tiếc, hồi ấy, không ít gia đình nghèo lại để lúa, bắp đến mối mọt.

Thiệt thòi về giao thông kéo theo thiệt thòi đủ thứ. Từ tiếp nhận khoa học kỹ thuật trong sản xuất, mua bán nông sản làm ra, đến chuyện học hành của con em, chuyện khám chữa bệnh, chuyện xây dựng đời sống mới... Dù các thế hệ lãnh đạo ở Xốp đều khát khao bứt phá, luôn nỗ lực tìm hướng đi, nhưng rồi lực bất tòng tâm- A Ruổi nói vậy.

Ký ức về những ngày gian khó theo chân chúng tôi về tận trụ sở xã chợt bay biến chỉ sau câu nói ngắn gọn của Bí thư Đảng ủy xã A Đời: Sau 15 năm thành lập, Xốp đổi thay nhiều rồi...Tôi cũng đã cảm nhận rất rõ những đổi thay ấy trên dọc đường đi, qua Xốp Dùi, Xốp Nghét. Nhà cửa được sửa sang, vườn tược được rào giậu; đường sá sạch sẽ; những vạt cà phê xứ lạnh đang vươn tán trong vườn... Rõ ràng người dân xã Xốp không còn trông chờ, ỷ lại, mà tự tay xây dựng cuộc sống mới cho mình; họ biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất, trồng cây ăn quả, nuôi gia cầm.

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại xã Xốp. Ảnh: T.H

 

Sự đổi thay ấy, không mấy bất ngờ, bắt nguồn từ việc khai thông “rào chắn thiên nhiên”. Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, tháng 12/2008, công trình cầu vượt sông Đăk Mỹ, niềm khát khao, trông đợi của bao thế hệ người dân vùng căn cứ cách mạng được khởi công. Tháng 7/2010, cây cầu dài gần 80m, bề rộng mặt cầu 7m, tổng kinh phí đầu tư gần 15 tỉ đồng hoàn thành, vươn mình qua sông. Đất và người xã Xốp tràn ngập niềm vui.

Sau cầu là đường. Tuyến đường đất từ Đăk Choong vào Xốp được xây dựng với tiêu chuẩn cấp V miền núi, tổng chiều dài gần 7,8 km, tổng mức đầu tư gần 53 tỉ đồng, hoàn thành vào tháng 4/2011. Thêm một “cánh tay” lực lưỡng nâng bước xã Xốp trong hành trình xóa đói giảm nghèo...

Với thế hệ con cháu của cụ Mết, của Tnú, của Mai trong “Rừng Xà Nu” ngày nay, chuyện thoát nghèo, vươn lên làm giàu đã không còn xa vời. Như lời Phó Chủ tịch xã A Đối, nhiều thanh niên đã tự học tập kinh nghiệm trồng cà phê, bời lời; ăn ở hợp vệ sinh. Như A Khâu đấy, chưa vợ, nhưng có 4 sào cà phê, 2 sào bời lời và một ngôi nhà khang trang, tường gạch, mái lợp tôn, nền lát gạch hoa. Con gái trong làng thường đem ra để so sánh và...ước ao: ai mà được A Khâu chọn thì sướng...

Chủ tịch xã A Ruổi (bên trái) trao tặng bò sinh sản từ Dự án giảm nghèo cho hộ dân. Ảnh: T.H

 

Chủ tịch A Ruổi khoe: Năm 2015, xã Xốp nằm trong vùng triển khai Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Kon Tum và được  hỗ trợ 950 triệu đồng để thực hiện các mô hình giảm nghèo. Qua hơn một năm, trên địa bàn xã đã hình thành 4 mô hình, gồm: chăn nuôi gà tại thôn Xốp Nghét (có 117 hộ tham gia, nuôi 3.510 con gà); trồng bắp lai tại thôn Kon Liêm (có 15 hộ tham gia, với 3 ha); chăn nuôi bò sinh sản tại thôn Xốp Dùi (có 10 hộ tham gia, với 10 con bò sinh sản); mô hình trồng lúa nước tại thôn Tân Đum (có 52 hộ tham gia, với 4 ha). Các mô hình đều đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần khuyến khích, định hướng cho người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chiều muộn, chúng tôi được cô nhân viên điểm Bưu điện văn hóa xã Lê Thị Hợi mời...vào quán uống nước. Thì vào, có gì lạ đâu. Ðường ô tô đã vào tận núi, quán sá theo chân người vào tận làng. Ở đó, tôi gặp lại mấy thanh niên đi làm rẫy về, ghé vào uống nước. Vồn vã bắt tay nhau, mời nhau uống nước.

Tôi nhận ra, dù cuộc sống đổi thay nhiều rồi, nhưng người xã Xốp trước sau vẫn vậy, nồng hậu, mến khách và chân thành...

Thành Hưng

Chuyên mục khác