Tâm huyết giữ nghề truyền thống

01/04/2025 06:02

Trong cộng đồng người Xơ Đăng ở thôn Kei Joi (xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) có một nghệ nhân tài hoa đã dành hơn nửa thế kỷ để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó là nghệ nhân A Biu (75 tuổi) - một bậc thầy trong lĩnh vực đan lát và tạc tượng gỗ dân gian.

Giữ lửa nghề đan lát

Nghề đan lát từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của bà con Xơ Đăng tại thôn Kei Joi, trong đó nghệ nhân A Biu chính là người đã kế thừa, gìn giữ và tâm huyết truyền dạy nghề cho nhiều thế hệ trẻ. Được học nghề từ cha mình, ông A Biu đã sớm thành thạo các kỹ thuật đan gùi, rổ, rá, nong nia, bẫy chuột, đơm cá và nhiều vật dụng truyền thống khác.

Nghệ nhân A Biu kể, để có được những sản phẩm đẹp và bền cần chú trọng đến việc chọn nguyên liệu. Những cây lồ ô, nứa, tre phải có độ già vừa phải, được xử lý kỹ lưỡng qua các công đoạn như ngâm nước, phơi khô, chẻ lạt, nhuộm màu từ lá và rễ cây rừng. Nhờ vậy, các sản phẩm đan lát mới có tính thẩm mỹ cao mà còn rất bền chắc theo thời gian.

Nghệ nhân A Biu luôn tâm huyết, đam mê với các sản phẩm, vật dụng được làm thủ công truyền thống. Ảnh: H.T

 

Theo kinh nghiệm của người Xơ Đăng tại làng, vào khoảng tháng 10, tháng 11, sau khi kết thúc vụ mùa, cây lồ ô khi ấy sẽ không quá non và cũng không quá già, đạt độ dẻo dai, lí tưởng để làm nguyên liệu. Đàn ông trong làng sẽ vào rừng tìm những cây mắt dài, thân thẳng mang về; ngoài ra còn có các loại dây mây, tre, nứa, lồ ô. Nguyên liệu mang về phải phơi ba, bốn nắng, đặc biệt lồ ô phải được ngâm dưới nước rồi phơi khô. Quá trình kéo dài khoảng một tuần để có được nguyên liệu tốt. Khi thành phẩm còn phải được gác trên dàn bếp từ 3-4 tháng để hóng khói, tạo sự bền chắc, chống mối mọt.

Một trong những sản phẩm đan lát nổi tiếng của ông A Biu là gùi. Gùi của nghệ nhân A Biu nổi tiếng bền đẹp và đầy đủ các nét truyền thống của người Xơ Đăng, luôn có các hoa văn, tôn vinh thêm vẻ đẹp người phụ nữ và khí phách người đàn ông khi mang. Nhìn cách A Biu xử lý nguyên liệu để đan có thể thấy bao tâm huyết, đam mê của ông. Từng nan lạt được ông chẻ, vuốt bóng bẩy và đều nhau, rồi đem hong khô, nhuộm màu để tạo các hoa văn trên thân gùi. Các công đoạn khác như cài nan, tạo hoa văn, làm vành, dây ràng, quai và đế đều được ông làm rất mượt mà bằng đôi tay tài hoa, sự khéo léo và tỉ mẩn.

 “Xưa cha tôi là người đan gùi có tiếng trong làng và tôi được truyền nghề từ ông. Công việc đan lát được mặc định là việc dành cho những người đàn ông, đan ra những vật dụng được sử dụng hàng ngày vật dụng này cũng dùng để trao đổi, buôn bán với những người có nhu cầu trong làng hoặc cũng có thể dùng làm quà tặng cho bạn bè, người thân. Tôi thấy mình có trách nhiệm giữ và truyền nghề cho thế hệ sau để không bị mai một” – nghệ nhân A Biu cho biết.

Bậc thầy tạc tượng gỗ dân gian

Không chỉ là nghệ nhân đan lát, A Biu còn nổi tiếng với tay nghề tạc tượng gỗ dân gian sắc sảo. Đam mê nghệ thuật tạc tượng từ khi còn nhỏ và được cha quan tâm chỉ bảo, ông A Biu được chỉ dạy kỹ thuật tạc tượng, đến năm 20 tuổi đã thành thạo các bước trong quá trình tạc tượng, có thể làm ra những bức tượng gỗ để tại nhà rông và tạc tượng gỗ cho các gia đình có nhu cầu trong làng. Trải qua nhiều năm kinh nghiệm, những bức tượng của nghệ nhân A Biu ngày càng có độ sắc sảo cao, được các địa phương tìm đến để mua hay đặt hàng. Nhiều bạn trẻ đam mê tạc tượng tại các vùng lân cận cũng tìm đến ông để học nghề và ông đều dạy miễn phí.

Bộ sưu tập tượng gỗ độc đáo của nghệ nhân A Biu. Ảnh: H.T

 

Tượng gỗ của nghệ nhân A Biu mang đậm dấu ấn văn hóa Xơ Đăng với những hình ảnh quen thuộc như phụ nữ giã gạo, đàn ông săn bắn, già làng uống rượu cần hay cảnh sinh hoạt đời thường. Những bức tượng được tạc bằng những công cụ thô sơ nhưng lại chứa đựng tâm hồn, câu chuyện và nỗi niềm riêng của những nghệ nhân làm ra nó.

Việc tạc tượng gỗ không có khuôn mẫu chung, mỗi bức tượng là một sản phẩm độc đáo, duy nhất, gắn với những hình ảnh sinh hoạt đời thường. Với nghệ nhân A Biu, mỗi bức tượng đều là tâm huyết, càng nhìn càng thấy cái hồn được ông gửi gắm vào đó. Tùy từng bối cảnh, hoàn cảnh và yêu cầu của người muốn tạc tượng mà tạc ra những khuôn tượng với những cảm xúc vui, buồn khác nhau.

Theo nghệ nhân A Biu, để tạc được những bức tượng đẹp, người làm cần học cách phân biệt các loại gỗ khác nhau, sau đó là học cách cầm rìu, cầm dao và hiểu ý nghĩa các hình tượng. Ông A Biu chỉ cần nhìn qua vân gỗ, thớ gỗ, sắc độ đậm nhạt của lõi gỗ là có thể tạo ra bức tượng. Tượng của người Xơ Đăng có hai màu chủ đạo là màu chàm đen và màu đỏ. Hai màu sắc đen và đỏ, theo quan niệm của người Xơ Đăng là hai màu thiêng vì tượng trưng cho đất và trời, tạo ra sự sống và cái chết.

Nghệ nhân A Biu chia sẻ: Tạc tượng gỗ là niềm đam mê của tôi từ những ngày tôi còn nhỏ. Bất cứ khúc gỗ nào với đủ hình dáng, kích thước đều được tôi tận dụng để đẽo, tạc theo những sở thích riêng. Nhà không ai theo nghề tạc tượng nhưng mình nhìn thấy thích quá nên vẫn đi theo người già, nghệ nhân trong làng để học. Cái hay nhất ở tạc tượng gỗ là qua đó có thể hình dung đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như nội tâm của người chế tác tượng gửi gắm trong linh hồn của tượng.

Nghệ nhân A Biu dạy đan lát cho con cháu trong làng. Ảnh: H.T

 

Sự sáng tạo và tay nghề điêu luyện đã giúp nghệ nhân A Biu giành được nhiều giải thưởng, trong đó có giải Nhất tại Hội thi chế tác tượng gỗ dân gian và nhạc cụ truyền thống các dân tộc huyện Ngọc Hồi năm 2022; giải Khuyến khích tại triển lãm trưng bày tượng gỗ dân gian tỉnh Kon Tum năm 2024; chứng nhận, giấy khen của UBND thành phố Kon Tum tham gia “Liên hoan tạc tượng gỗ dân gian” tại Tuần văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 năm 2018.

Bên cạnh đan lát và tạc tượng, ông còn dạy đánh cồng chiêng, giúp bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này trong đời sống cộng đồng. Ông đã truyền dạy cho nhiều thế hệ thanh niên trong làng biết thực hành nghề đan lát, tạc tượng gỗ dân gian và đánh cồng chiêng.

Trải qua nhiều năm gắn bó với nghề thủ công truyền thống, A Biu không chỉ là một nghệ nhân tài hoa mà còn có công lớn trong việc bảo tồn di sản văn hóa của người Xơ Đăng. Ông luôn trăn trở làm sao để thế hệ trẻ hiểu và yêu nghề, để những giá trị truyền thống không bị mai một theo năm tháng.

“Tôi luôn mong muốn dạy lại cho con cháu mình kỹ thuật đan lát những chiếc gùi, rổ, rá, nong nia để sử dụng hàng ngày trong gia đình và xa hơn là trao đổi buôn bán để nâng cao thu nhập. Nhiều năm nay, tôi đã cố gắng truyền dạy lại cho con cháu trong làng duy trì nghề đan lát, tạc tượng và đã có nhiều học trò giỏi. Nhờ đó các nghề truyền thống của dân tộc Xơ Đăng được bà con trong làng gìn giữ và phát huy, tôi cảm thấy rất vui” – nghệ nhân A Biu tâm tình.

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác