Vận tải khách ở vùng sâu

30/03/2018 18:35

Tại huyện Kon Plông, ban đầu có hai nhà xe là Hưng Thịnh và Quỳnh Tú mở tuyến vận tải khách về vùng sâu, vùng xa; nhưng cuối cùng chỉ còn nhà xe Hưng Thịnh phải đảm bảo hai tuyến Măng Bút và Ngọc Tem

Qua hơn 16 năm xây dựng kể từ khi được thành lập lại, giao thông vận tải trên địa bàn huyện Kon Plông có những bước phát triển quan trọng. Đó là việc hoàn thành và đưa vào sử dụng những công trình giao thông như Quốc lộ 24, đường Đông Trường Sơn, Tỉnh lộ 676… tạo thành hệ thống liên hoàn giữa các vùng, rút ngắn khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa với các vùng đồng bằng, đô thị. Qua công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, bước đầu đã có doanh nghiệp tham gia chính sách xã hội hóa bến xe, vận tải khách về vùng sâu, vùng xa.

Xe khách Hưng Thịnh mở tuyến về Ngọc Tem. Ảnh: D.L

 

Về huyện Kon Plông, tôi nhận được nhiều thông tin ngày càng có nhiều chuyến xe khách về vùng sâu, vùng xa, trong đó có sự nhập cuộc của những phương tiện vận tải do các doanh nghiệp tư nhân cung cấp. Sau mỗi câu chuyện là mong ước của đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa về những con đường thông suốt, những chuyến xe bình yên…

Anh Tạ Phúc Đức nhà xe Hưng Thịnh tâm sự: Ở vùng sâu, vùng xa có cả chuyện đi xe nợ là bình thường; nhiều trường hợp cho đi nhờ vì hành khách không có đủ tiền để mua nổi một chiếc vé; nhiều khi xe vòng vèo đón khách cũng vì cả cung đường đó, chỉ có duy nhất 1 chuyến xe, nếu không đón… thì hành khách kia có thể đến ngày mai mới về được nhà. Đường thì liên tục có những khúc cua tay áo, là đà trong khói núi, lắm lúc tôi không ít đắn đo khi chấp nhận chạy tuyến đường này. Nhưng trước nhu cầu đi lại của người dân ở vùng sâu, vùng xa này, tôi lại tự nhủ lòng mình phải cố gắng và lái xe cẩn thận hơn.

Tại huyện Kon Plông, ban đầu có hai nhà xe là Hưng Thịnh và Quỳnh Tú mở tuyến vận tải khách về vùng sâu, vùng xa; nhưng cuối cùng chỉ còn nhà xe Hưng Thịnh phải đảm bảo hai tuyến Măng Bút và Ngọc Tem; nhà xe Quỳnh Tú phải tạm dừng.

Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị huyện Kon Plông. Ảnh: D.L

 

Ông Huỳnh Xuân Hậu-Giám đốc Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị huyện Kon Plông cho biết, thời gian qua, hoạt động kinh doanh vận tải khách trên địa bàn tỉnh luôn được Sở Giao thông Vận tải quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới phương tiện, phát triển kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, huyện chưa có bến xe, nên việc tổ chức đón nhận và phân tuyến chưa thực hiện được. Vì quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định tại các địa phương, theo quy định của Bộ Giao thông vận tải phải có bến xe đi, đến được cơ quan có thẩm quyền công bố và xếp loại phù hợp với cự ly tuyến theo quy định. Theo đó, huyện mới bước đầu thực hiện chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách; chấp thuận cho HTX Vận tải Tiền Phong đầu tư xây dựng bến xe khách với diện tích 5.000m2. Giai đoạn 1, đơn vị này đã khởi công xây dựng nhà chờ, cổng ngõ với nguồn 3 tỷ đồng, dự kiến quý II/2018 sẽ đưa bến xe vào hoạt động; giai đoạn 2 sẽ xây dựng các công trình phụ trợ tiếp theo như khu vực đón trả khách, bãi đỗ ô tô chờ khách, cổng phụ…với nguồn vốn 6 tỷ đồng. Huyện miễn thuế sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích bến xe.

Sự mạnh dạn vào cuộc của một số doanh nghiệp vận tải khách trong tỉnh đã giúp chặng đường xa của người dân nơi đây rút ngắn lại và bớt nhọc nhằn hơn... 

                                                                               Dương Lê

Chuyên mục khác