Sa Thầy: Đẩy mạnh ngăn chặn xe máy độ chế tham gia giao thông

21/05/2025 13:25

Thời gian qua, cũng như nhiều địa phương khác, trên địa bàn huyện Sa Thầy xuất hiện tình trạng người dân sử dụng phương tiện xe gắn máy đã được độ chế tham gia giao thông. Đây là những phương tiện không bảo đảm điều kiện về an toàn kỹ thuật theo quy định, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Những chiếc xe máy cũ được đưa đến tiệm sửa chữa xe máy yêu cầu thay đổi hệ thống phanh, lốp, còi, đèn chiếu sáng, đục số khung, số máy hoặc xoáy nòng, lắp thêm phuộc nhún, lược bỏ hầu hết phần nhựa đi theo xe, chỉ còn lại khung xe nên thường được gọi là “ngựa sắt”. Phần sườn xe độ dài thêm khoảng 30cm; yên xe độ thành một khung sắt hoặc yên bằng gỗ dài theo thân xe; bình xăng là loại can nhựa thường từ 2- 5 lít; xi lanh xe từ 100 cc được “đôn” lên trên 120 cc, có xe còn độ thêm cả tời kéo trên xe.

Những chiếc xe này thường không có giấy tờ đăng ký, không biển kiểm soát hoặc biển kiểm soát giả, được độ chế với giá từ 3- 8 triệu đồng. Bên cạnh đó, một số tiệm sửa xe máy mua lại xe cũ về độ chế để bán cho người dân. Mục đích của những chiếc xe sau khi độ chế là chỉ cần chạy nhanh, mạnh, thậm chí không cần còi, đèn xi nhan nên khi tham gia giao thông, các xe này không đảm bảo an toàn, dễ gây tai nạn.

Những “chiến binh ngựa sắt” chuyên đi rừng. Ảnh: ĐV

 

Qua tìm hiểu, nguyên nhân người dân độ chế xe là do địa bàn nhiều thôn, làng ở một số xã của huyện Sa Thầy đường nhiều đồi dốc, nằm ở vùng sâu, vùng xa, ít có lực lượng CSGT. Xe sau khi độ chế chạy khỏe, thích hợp để đi rừng nên nhiều người sử dụng để vận chuyển nông sản. Mỗi chiếc xe máy độ chế có thể chở được 400-500kg. Bên cạnh đó, một số thanh thiếu niên thích độ xe để nẹt pô, bốc đầu, gây mất trật tự ở khu dân cư.

Không ít “lâm tặc” dùng xe máy độ chế để vận chuyển gỗ. Ảnh: Đ.V

 

Không chỉ sử dụng làm phương tiện vận chuyển nông sản vào ban ngày, vào ban đêm, xe độ chế được không ít đối tượng dùng để vận chuyển lâm sản trái phép và điều khiển với tốc độ cao nhằm tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, càng tăng nguy cơ mất an toàn giao thông.

Hầu hết các chủ xe độ chế đều biết đó là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng vẫn làm. Anh A Broi (ở xã Ya Tăng) cho biết: Có rẫy trồng mì ở xa, đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa nên tôi thường dùng xe này để lên rẫy. Muốn xe chạy khoẻ, chở được nhiều, 2 năm trước, tôi ra tiệm độ lại xe với chi phí 3 triệu đồng. Khi biết có chốt công an thì tôi rẽ vào các đường nhánh hoặc vào rẫy để tránh. Nhà đông người nhưng chỉ có 1 chiếc xe nên thỉnh thoảng tôi cũng dùng xe này để ra trung tâm huyện hoặc đi thăm bà con bên huyện Ngọc Hồi.

Nhằm hạn chế tình trạng mất an toàn giao thông do xe máy độ chế gây ra, UBND huyện Sa Thầy đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo công an các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, trong đó, có xe máy độ chế. Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân về việc không sử dụng, điều khiển các phương tiện xe máy tự chế và yêu cầu các cơ sở sửa xe máy ký cam kết không tham gia độ chế xe.

Đại úy Lê Thành Trung- Phó trưởng Công an xã Ya Ly cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Sa Thầy, Công an xã Ya Ly đã tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng xe máy độ chế tham gia giao thông, gây mất trật tự, an toàn tại địa phương. Bên cạnh đó, tuyên truyền cho người dân về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, để góp phần nâng cao nhận thức cho người dân.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, tăng cường bám địa bàn, tuyên truyền, vận động người dân nên thời gian gần đây tình trạng xe độ chế tham gia giao thông trên địa bàn đã giảm rõ rệt.

Để phòng ngừa, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông trong đó có sử dụng xe độ chế , bên cạnh việc lực lượng công an tăng cường công tác tuần tra, xử lý thì cũng cần có sự vào cuộc tuyên truyền, nhắc nhở của các ban ngành, đoàn thể địa phương và ý thức tự giác của người dân.

Đắc Vinh

Chuyên mục khác