25/09/2024 06:14
Cách đây 94 năm, ngày 25/9/1930, tại Nhà lao Kon Tum đã diễn ra một sự kiện chính trị trọng đại đánh dấu mốc son quan trọng của lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum: đó là sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh, trở thành “hạt giống đỏ” “ươm mầm” cho sự phát triển, góp phần lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, chống ngoại xâm và xây dựng, kiến thiết quê hương ngày càng tươi đẹp.
Sau ngày hòa bình lập lại, phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh không ngừng xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh để đủ năng lực lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thử thách, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
|
Từ khi tỉnh Kon Tum được thành lập lại cho đến nay, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các nhiệm kỳ đã quán triệt sâu sắc và xác định đúng vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; công tác cán bộ là then chốt của then chốt; giữ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy vai trò của cấp ủy, người đứng đầu các cấp trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Đặc biệt, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có sự đổi mới quan trọng cả về nội dung, phương pháp quán triệt, học tập và triển khai thực hiện nghị quyết; tính sắc bén trong công tác tuyên truyền được nâng lên. Nhận thức về chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng trong các cấp ủy, cán bộ, đảng viên được nâng cao, bản lĩnh chính trị của đại bộ phận cán bộ, đảng viên được giữ vững.
Đồng chí Y Vêng- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2005-2010) chia sẻ: Nói đến công tác xây dựng Đảng trước hết phải nói về công tác xây dựng tư tưởng, tổ chức. Đây chính là nhân tố quan trọng quyết định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Từ trước đến nay, quan điểm nhất quán của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy là phải tập trung xây dựng Đảng bộ thật sự vững mạnh với phương châm “phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, có như vậy mới đủ sức, đủ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế tỉnh nhà. Từng đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong công việc; mỗi đảng viên, cán bộ phải thật sự trong sạch thì mới làm cho tổ chức đảng được trong sạch, vững mạnh. Công tác xây dựng Đảng phải được xây dựng từ cơ sở, mỗi đảng viên phải thật sự có trình độ chuyên môn, lý luận, phẩm chất chính trị tốt, có đạo đức, lý tưởng, động cơ phấn đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân.
|
Có thể nói, qua các nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng đến công tác tổ chức, cán bộ; thường xuyên rà soát, bổ sung quy chế làm việc và các quy định, quy trình công tác; ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan tham mưu chuyên trách của cấp ủy với các cơ quan có liên quan. Đồng thời chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc xây dựng quy chế hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Y Mửi- nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2010-2015; 2015-2020) chia sẻ: Qua các nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn chú trọng đến xây dựng nhân tố con người, trong đó người cán bộ chủ chốt, đứng đầu là quan trọng nhất và phải xây dựng nhân tố con người từ cơ sở. Bên cạnh đó, chú trọng về công tác lãnh đạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên vững mạnh về mặt tư tưởng. Đây là hạt nhân quan trọng để xây dựng tổ chức đảng vững mạnh, chi bộ cơ sở vững mạnh thì tổ chức đảng cấp trên mới vững mạnh. Để tiếp tục xây dựng Đảng bộ tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, tư tưởng, có trình độ chuyên môn; đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, bố trí, sắp xếp hợp lý, phù hợp với năng lực và trình độ, vì dân mà phục vụ; chấm dứt tình trạng cục bộ địa phương, quan hệ dòng họ, lợi ích nhóm.
|
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, có tư duy và quyết tâm đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tự giác, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bên cạnh việc hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ, qua các nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nhất là chất lượng chính trị của từng tổ chức và của cả hệ thống chính trị. Công tác cải cách hành chính được triển khai tương đối đồng bộ, góp phần giảm bớt thủ tục hành chính phiền hà, giải quyết kịp thời các yêu cầu, quyền lợi của tổ chức và công dân. Hệ thống tổ chức cơ sở đảng tiếp tục được củng cố, sắp xếp và đổi mới nội dung sinh hoạt, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, làm tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở.
Đồng chí Y Vêng khẳng định: Để xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngoài các yếu tố đã phân tích trên, trước hết người cán bộ chủ chốt phải hết sức quan tâm, chủ động cùng với tập thể cấp ủy kịp thời đề ra chủ trương, định hướng trong công tác xây dựng Đảng. Đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng các cấp đã đề ra, xử lý nghiêm những vi phạm nếu có.
Thành quả cách mạng của quân và dân các dân tộc trong tỉnh được giữ vững và phát huy trong suốt mấy chục năm qua chính là nhờ Đảng ta giữ vững sự đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ Đảng; xây dựng tổ chức đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng mối quan hệ mật thiết, khăng khít với nhân dân để đồng lòng thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng trong phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, vững mạnh.
Dương Đức Nhuận