Trách nhiệm công vụ

17/08/2024 06:03

Dù vẫn còn những bất cập, hạn chế, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự tích cực, chủ động của các cấp, các ngành trong kiểm tra, giám sát và ý thức tự thân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trách nhiệm công vụ đã được nâng cao rõ rệt.

Có thể hiểu trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức là thực hiện đúng pháp luật và đạt kết quả tốt nhất, với chi phí thấp nhất, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân.

Trước đây, từ những câu chuyện có thật hàng ngày, tôi nhận ra rằng, có sự né tránh, đùn đẩy trách nhiệm không đáng có trong giải quyết thủ tục hành chính.

Hay đúng hơn, “căn bệnh sợ trách nhiệm” đã và đang âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhất là trong thời gian qua, nhiều cán bộ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, càng dẫn đến tâm lý e ngại khi thực thi công vụ.

Có những cán bộ vốn dĩ thiếu năng lực, trình độ chuyên môn yếu thì luôn e dè, làm gì cũng sợ sai, nên an phận, giữ ghế, để cho bản thân không bị quy trách nhiệm, bo bo giữ  “ghế”,  thậm chí đẩy vào… ngăn kéo chính công việc thuộc phạm vi mình phụ trách.

Kiên quyết khắc phục nạn đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm. Ảnh: T.H

 

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, với suy nghĩ “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”, đã tìm cách đẩy việc lên cho cấp trên, đẩy cho cấp dưới, đẩy cho đồng ngiệp, dù đã được phân công, phân nhiệm rất rõ ràng.

Hậu quả của sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm là quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Đặc biệt, với những công việc nhạy cảm, phức tạp liên quan tới nhiều cơ quan, sở, ban, ngành, địa phương, như giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, khiến người dân bức xúc, gây trở ngại cho việc cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ của nền hành chính công.

Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho tình trạng này. Tuy nhiên, tựu trung lại, đó là vì “tâm và tầm” của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người có trách nhiệm giải quyết công việc chưa cao.

Như trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Rõ ràng nguồn vốn đã được phân bổ, có dự án rồi nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn thấp, tiến độ giải ngân vẫn chậm. Về lý do, đúng là có phần vướng mắc về quy trình, thủ tục; có phần là do phân bổ vốn chậm, chuẩn bị đầu tư chưa kỹ.

Tuy nhiên, yếu tố chủ quan của con người, của bộ máy vẫn mang tính quyết định, khi vẫn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không ai chịu làm, khiến cho vốn đầu tư công không giải ngân được, công trình mãi không hoàn thành, thậm chí phải trả lại vốn.

Thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Ảnh: TH

 

Tất nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, dù vẫn còn những bất cập, hạn chế, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự tích cực, chủ động của các cấp, các ngành trong kiểm tra, giám sát và ý thức tự thân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trách nhiệm công vụ đã được nâng cao rõ rệt.

Kết luận thanh tra số 01/KL-TTr ngày 6/5/2024 của Thanh tra tỉnh về trách nhiệm về thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức đánh giá, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công vụ.

Nhờ đó, đã góp phần làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền và người dân; xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, phục vụ, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước.

Xác định rõ vai trò quan trọng của trách nhiệm công vụ trong xây dựng nền hành chính công minh bạch, hiện đại và đồng hành, Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh có các văn bản chỉ đạo quyết liệt nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức.

Riêng trong năm 2024, ngay từ đầu năm, ngày 29/1/2024, UBND tỉnh đã có văn bản số 353/UBND-NC chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Tiếp đó, Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 yêu cầu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm nhưng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Mới đây, ngày 15/8, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn ký ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả công việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị yêu cầu “nói đi đôi với làm”; chấn chỉnh thái độ, trách nhiệm, văn hóa ứng xử chưa chuẩn mực của công chức, viên chức trực tiếp thụ lý giải quyết các thủ tục hành chính.

Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng.

Thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, không đáp ứng yêu cầu công việc, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung.

Loạt động thái này cho thấy tỉnh ta đang quyết liệt “chỉnh đốn” tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, từ đó nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cần có ý thức chủ động nâng cao trách nhiệm công vụ từ chính đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Mỗi người cần xác định rõ, trong thi hành công vụ, trước hết và trên hết có nghĩa vụ thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tuyệt đối không trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ.

Chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền; không trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên cấp trên; không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan khác để né tránh trách nhiệm.      

Thành Hưng

Chuyên mục khác