Thành tựu về quyền con người là không thể phủ nhận

15/07/2024 13:01

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Thời gian gần đây, nhiều tổ chức quốc tế đã có những báo cáo thiếu khách quan về tình hình nhân quyền và công tác bảo vệ quyền con người ở Việt Nam. Điển hình là ngày 29/5 vừa qua, Liên minh Châu Âu (EU) đã công bố Báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2023. Trong bản báo cáo này, EU đã đưa ra một số nhận định, đánh giá không đúng về việc bảo đảm thực thi quyền con người ở Việt Nam. Liên minh Châu Âu cho rằng, không gian xã hội dân sự ở Việt Nam ngày càng bị thu hẹp. Đồng thời, kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận.

Trước đó, Báo cáo nhân quyền năm 2023 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố vào cuối tháng 4/2024 cũng đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Theo đó, Báo cáo này nhận định là “chính quyền Việt Nam vẫn không có tiến bộ về nhân quyền”; “Việt Nam vi phạm nhân quyền”. Báo cáo này đề cập đến một số cá nhân mà họ gọi là “tù nhân chính trị”, “nhà hoạt động chính trị”. Song thực tế, đây lại là những đối tượng có các hành vi vi phạm pháp luật, đã bị bắt giữ, điều tra, xét xử và tuyên án phạt với những bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội.

Tỉnh Kon Tum ban hành nhiều văn bản, chính sách phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo các quyền con người. Ảnh: SC

 

Phải khẳng định rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định con người là mục tiêu, là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước, khẳng định con người là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được ghi nhận đầu tiên tại Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay sau khi giành được độc lập năm 1945. Sau đó, quyền con người, quyền công dân tiếp tục được khẳng định và mở rộng tại các bản Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 và năm 2013. Đồng thời, Đảng và Nhà nước ta đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế về quyền con người.

Sau nhiều nỗ lực, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc bảo đảm quyền con người, từ quyền về dân sự, chính trị đến quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.

Mọi quyết sách đều xuất phát từ con người; mọi thành quả phát triển đều hướng vào bảo đảm tốt nhất quyền con người.

Một trong những thành tựu nổi bật nhất trong bảo đảm quyền con người là đạt được những tiến bộ vượt bậc về xóa đói giảm nghèo, phát triển con người và chất lượng cuộc sống.

Đến cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều cả nước là 1.586.336;  tỷ lệ hộ nghèo là 2,23%. Việt Nam là quốc gia đạt kết quả ấn tượng trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc, gắn chặt với y tế cơ sở, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng từ hơn 81% năm 2016 lên mức 93,35% vào năm 2023; 85% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng.

Lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay 63 tỉnh, thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học.

Người dân được thực hành tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nghiên cứu và trao đổi, hội họp, giao lưu quốc tế về tôn giáo.

Tự do ngôn luận, báo chí, internet ngày càng được phát huy. Báo chí được tạo điều kiện tham gia tích cực vào phản biện các chính sách, đồng thời đồng hành với các cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực. Việt Nam cũng là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 6 trong khu vực châu Á, với khoảng 68 triệu người.

Những nội dung ở trên đã cho thấy phần nào các thành tựu quan trọng trong bảo vệ, thực thi quyền con người ở Việt Nam. Những thành tựu đó đã được nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Ảnh: S.C

 

Minh chứng rõ nhất là Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 (lần đầu là nhiệm kỳ 2014 - 2016). Điều này thể hiện sự tín nhiệm, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với đóng góp của Việt Nam trong bảo vệ và thực thi quyền con người.

Là tỉnh nghèo, biên giới, miền núi, đồng bào DTTS chiếm hơn  53% dân số, việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội luôn được tỉnh Kon Tum đặc biệt quan tâm, xác định là một trong những nền tảng đảm bảo sự ổn định, là động lực để phát triển.

Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh sớm được thành lập và đã chủ động, tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, chính sách phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đảm bảo các quyền con người.

Trên lĩnh vực bảo đảm quyền kinh tế, nổi bật là kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển mạnh. 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh  tăng 6,47% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này giúp tỉnh Kon Tum đứng đầu khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả. Tỷ lệ bao phủ BHYT so với dân số là 93,46% ; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (đến hết năm 2023) là 11,23% (tương ứng 10.220 hộ).

Bà con các dân tộc, tín đồ các tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tham gia sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng pháp luật; được hưởng các chế độ, chính sách an sinh xã hội, được vay vốn tăng gia sản xuất, giảm nghèo bền vững, học nghề, tạo việc làm.

Bên cạnh thực hiện các chương trình MTQG như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh Kon Tum đang đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Có thể khẳng định, cùng với cả nước, tỉnh Kon Tum đã và đang chủ động  thực hiện tốt và tốt hơn quyền con người.

Như lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (tháng 3/2021): “Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no, và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người”.            

Sông Côn

Chuyên mục khác