Tạo nền tảng và động lực phát triển mạnh nông nghiệp từ một Nghị quyết

05/11/2024 06:00

Qua 3 năm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về "Phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” (Nghị quyết 05-NQ/TU), huyện Ia H’Drai tạo ra nền tảng, động lực phát triển, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển của các doanh nghiệp.

Đồng chí A Kiên – Phó Bí thư Huyện ủy Ia H’Drai cho biết, sau khi Nghị quyết 05-NQ/TU ban hành, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Chương trình thực hiện và chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết 05-NQ/TU, tạo sự thống nhất trong hành động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.  

Thực hiện sự chỉ đạo và chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo quản lý các hợp tác xã; tập huấn “Phát triển ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thời đại số”; quy hoạch đất phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời kỳ 2021-2030 trên địa bàn huyện với tổng diện tích 2.298,68 ha. 

Trung tâm Nghiên cứu sản xuất giống và Nuôi thương phẩm cá nước ngọt tại bể nuôi trên cạn ở xã Ia Tơi. Ảnh: V.N

 

Theo đó, UBND huyện kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện để các hợp tác xã, người dân trên địa bàn tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư các mô hình, dự án phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng; hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá  các sản phẩm OCOP; xây dựng mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhãn mác hàng hóa nông nghiệp để thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng khoa học công nghệ... để phát triển mạnh nông nghiệp. 

Để tìm hiểu việc thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU, chúng tôi đến thăm Nông trường Chuối Ia Dom (Công ty Cổ phần ĐTPT Duy Tân) ở xã Ia Dom. Ông Nguyễn Xuân Ước – Giám đốc Nông trường bộc bạch: Nông trường sản xuất 56ha chuối già Nam Mỹ từ nguồn giống nuôi cấy mô của Viện Cây ăn quả miền Nam. Việc trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt Israel và phun thuốc bằng máy bay không người lái. Sản phẩm luôn bảo đảm tiêu chuẩn và yêu cầu khắt khe của khách hàng. Chính vì vậy, thị trường đầu ra sản phẩm chuối luôn ổn định và được các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia chấp nhận. Nông trường đang giải quyết việc làm cho 80 người lao động với mức lương bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng.

Trên lĩnh vực lâm nghiệp, UBND  huyện tạo điều kiện cho Công ty TNHH 11-3 Ia H’Drai triển khai Dự án trồng cây xanh phục hồi rừng và kết hợp nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, Công ty trồng được khoảng 60ha rừng và đang thực hiện các hạng mục trồng cây ăn quả (chôm chôm, sầu riêng) ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel.

Nuôi hươu ở huyện Ia H'Drai. Ảnh: VN

 

Về chăn nuôi gia súc, huyện hướng doanh nghiệp sản xuất trang trại, ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, Công ty TNHH Nông trại Duyên Thịnh Phát đầu tư các hạng mục hạ tầng để triển khai Dự án Trang trại chăn nuôi Duyên Thịnh Phát với quy mô 25.000 con heo thịt/đợt nuôi (mỗi năm nuôi 03 đợt). Đến thời điểm hiện tại, Công ty khánh thành và đang hoàn thiện các thủ tục để đưa vào hoạt động trang trại chăn nuôi theo đúng với công suất thiết kế.

Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn hỗ trợ các hợp tác xã phát triển sản phẩm OCOP. Ông Nguyễn Xuân Tiến – Chủ tịch kiêm Giám đốc Hợp tác xã nuôi hươu Đồng Tiến cho biết, hợp tác xã có 20 thành viên đang nuôi trên 100 con hươu. Nhờ sự quan tâm của huyện trong việc đối ứng con giống và hỗ trợ sản xuất sản phẩm OCOP, đến nay, hợp tác xã có 6 sản phẩm OCOP 3 sao từ nhung hươu. Doanh thu của hợp tác xã năm 2024 dự kiến đạt trên 1 tỷ đồng.

Trong việc nuôi trồng thủy sản, huyện tạo điều kiện Công ty Cổ phần ĐTPT Duy Tân nuôi cá trên cạn với 84 bể nuôi và mô hình nuôi cá lồng bè với quy mô 135 lồng (theo quy đổi 100m3/lồng). Ông Trần Trung Kiên – phụ trách Trung tâm Nghiên cứu sản xuất giống và Nuôi thương phẩm cá nước ngọt (Công ty Cổ phần ĐTPT Duy Tân) cho biết, Trung tâm đang nuôi các loài cá như lóc, rô phi, diêu hồng, lăng nha và trà sóc.

UBND chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Trường Đại học Cần thơ (đơn vị chủ trì đề tài cấp tỉnh) hỗ trợ kỹ thuật nuôi, vốn đối ứng cho nhiều hộ dân ở làng chài Sê San 4 (xã Ia Tơi) nuôi cá hô; hỗ trợ HTX Sê San xây dựng nhiều sản phẩm OCOP từ nguyên liệu cá cơm phục vụ khách du lịch và người tiêu dùng.

“Nhờ sự hỗ trợ của huyện và sự nỗ lực của thành viên trong đánh bắt, nuôi trồng gắn với chế biến sản phẩm, các thành viên Hợp tác xã có thu nhập ổn định và an cư lạc nghiệp trên miền quê mới” - Phó Giám đốc Hợp tác xã Sê San Nguyễn Thành Nhân phấn chấn cho biết. 

Từ những nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết 05-NQ/TU, Huyện ủy, UBND huyện Ia H’Dai tạo ra nền tảng và động lực phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.                         

Văn Nhiên

Chuyên mục khác