02/10/2020 06:00
Công việc nhiều, phụ cấp thấp
Sau khi 2 thôn Ngọc Yên và Ngọc Phúc (xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) sáp nhập thành thôn Ngọc Yên Phúc, bà Hoàng Thị Tưởng được bầu làm bí thư chi bộ đồng thời làm trưởng thôn. Thời gian đầu đảm nhận nhiệm vụ, bà rất lo lắng, nhưng với sự động viên, đồng hành của Đảng ủy xã Đăk Xú, bà dần bắt nhịp và triển khai công việc hiệu quả.
Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, bà Tưởng chia sẻ, bà gặp nhiều khó khăn trong công việc.Một phần vì thôn mới, sau sáp nhập rộng, dân cư đông nên việc triển khai công việc rất vất vả. “Có rất nhiều việc để làm và việc nào cũng phải lên kế hoạch rõ ràng nên tốn rất nhiều thời gian. Có những lúc việc gấp, tôi phải dành thêm thời gian ban đêm mới làm kịp”- bà Tưởng cho biết.
Ông Đỗ Anh Tuấn- Bí thư kiêm trưởng thôn Đăk Wơk Jôp, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy cũng cho rằng, làm bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, 1 vai 2 gánh nên công việc nhiều hơn, trách nhiệm nặng nề hơn.
Bận rộn, vất vả, nhưng phụ cấp dành cho bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn khá thấp. Theo quy định, người giữ chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn được hưởng 100% phụ cấp cho chức danh thứ nhất và 85% cho chức danh kiêm nhiệm, tổng cộng được khoảng 2 triệu đồng/tháng.
“Nếu không cố gắng, kinh tế gia đình không vững sẽ không kham nổi. Phần tôi, may có vợ động viên, ủng hộ, kinh tế cũng ổn định nên mới làm tốt nhiệm vụ”- ông Đỗ Anh Tuấn chia sẻ thật lòng.
Còn ông Hoàng Văn Hòa - Bí thư chi bộ, trưởng thôn Kon Sơ Lam 1, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum, tâm sự: Mức thu nhập thấp, khó để đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Nếu mức thu nhập tăng lên thỏa đáng, chắc chắn rằng bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn sẽ dành nhiều thời gian, toàn tâm, toàn ý hơn cho công tác ở địa phương và khu dân cư.
|
Khó tìm nhân sự
Ngoài vấn đề phụ cấp thấp, việc triển khai thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố ở nhiều địa phương gặp không ít khó khăn trong xây dựng phương án bố trí, sắp xếp nhân sự, bởi không dễ tìm người gánh vác được cả “2 vai”.
Như tại xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, dù đã triển khai thực hiện, tuy nhiên, đến nay trên địa bàn vẫn chưa thôn, làng nào có bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn.
Ông Nguyễn Minh Thuận – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Rất khó để tìm được người có năng lực, có tâm, có tầm, có uy tín để đảm nhiệm công việc. Có những trưởng thôn rất nhiệt tình, năng nổ nhưng lại lớn tuổi, không đủ khả năng đảm nhiệm 2 việc cùng lúc. Ngược lại, những đảng viên trẻ lại chưa đủ kinh nghiệm sống, năng lực để thực hiện; hơn nữa, họ không mặn mà với công việc do áp lực cao, phụ cấp lại thấp. Chính vì vậy, hiện tại chúng tôi vẫn đang nỗ lực tạo nguồn”.
Tại huyện Ngọc Hồi, dù địa phương đặc biệt quan tâm thực hiện chủ trương nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, chú trọng phát triển đảng viên đối với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và kết quả đã có 38/68 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên nhưng mới 13 thôn, tổ dân phố có bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.
“Trên thực tế, ngoài năng lực, người đảm nhận nhiệm vụ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn phải có sức khỏe, năng lực lãnh đạo nên chúng tôi chưa thể triển khai nhân rộng đồng loạt. Hiện chúng tôi đang tạo nguồn đảng viên trẻ, có nhiệt huyết để triển khai thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố được hiệu quả”- bà Phan Thị Yến Phượng - Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Ngọc Hồi cho biết.
Việc hợp nhất bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn tại các làng DTTS hiện nay còn khó khăn hơn nhiều. Bà Ngô Thị Hoàng Anh – Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Kon Tum cho hay, trên địa bàn thành phố Kon Tum hiện nay có 60 thôn, làng đồng bào DTTS nên bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở các thôn, làng này phải là những người địa phương, am hiểu phong tục tập quán, bản sắc văn hóa và có uy tín trong cộng đồng. Chính vì vậy, việc tìm, chọn người đặc biệt khó khăn. Hiện nay, Thành ủy đã chỉ đạo các cấp xã, phường cân nhắc tạo nguồn.
Trước những khó khăn về nhân sự, một số địa phương có hướng giải quyết linh hoạt, chủ động tạo môi trường để quần chúng có năng lực, uy tín với dân và có khả năng làm trưởng thôn rèn luyện, phấn đấu.
“Theo phương châm dân tin, Đảng mới cử, chúng tôi sẽ chọn những quần chúng ưu tú, tạo môi trường hoạt động để rèn luyện, sau đó phấn đấu kết nạp Đảng. Từ những hạt nhân nòng cốt, chúng tôi giới thiệu để nhân dân lựa chọn, bầu vào các chức danh trưởng thôn. Sau đó, cấp ủy mới giới thiệu để bầu các chức danh trong chi bộ” – ông Nguyễn Minh Thuận, Bí thư Đảng ủy xã Sa Bình chia sẻ.
Hay như ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, Đảng ủy xã rất chú trọng việc tạo nguồn để thực hiện chủ trương. Ông Mai Nhữ Nam – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Chúng tôi khuyến khích những thanh niên có trình độ học vấn, bộ đội xuất ngũ tham gia các hoạt động của thôn. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện để các em phấn đấu, học tập kinh nghiệm cũng như tạo uy tín, niềm tin trong nhân dân và giới thiệu các em đảm nhiệm các chức danh ở thôn. Các em có trình độ, kiến thức, sẽ hiểu và triển khai công việc thuận lợi, đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống”.
Nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả thiết thực trong thực tiễn. Để mô hình này được nhân rộng, những khó khăn, vướng mắc như đã đề cập cần sớm được giải quyết. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế kiểm soát phù hợp gắn liền với công tác kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng lạm quyền, tiêu cực trong quá trình thực thi nhiệm vụ để tạo dựng niềm tin trong nhân dân.
Hoài Tiến