15/08/2024 06:04
Nghị quyết của Đảng là kết tinh trí tuệ của tập thể, thể hiện đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và ý chí, nguyện vọng của toàn dân, được xây dựng trên cơ sở yêu cầu phát triển của đất nước trong mỗi hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở “cần nghiên cứu sâu để thấm nhuần tinh thần Nghị quyết; nghiên cứu càng sâu thì càng thêm phấn khởi, hoàn thành nhiệm vụ càng tốt”.
Tại Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Thành công của Đại hội không phải là thông qua được Nghị quyết, bầu Ban Chấp hành mới, quan trọng hơn, sắp tới phải đưa Nghị quyết vào cuộc sống thế nào, biến nó thành hiện thực thế nào”.
Trong thời gian qua, khâu nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng được xác định là nhiệm vụ hàng đầu của công tác chính trị, tư tưởng. Công tác tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng được tiến hành thường xuyên, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, phong phú, sinh động, nâng cao chất lượng.
|
|
Mỗi hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học, chất lượng, giúp cán bộ, đảng viên, quần chúng nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo nghị quyết của Đảng.
Đặc biệt, khâu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đổi mới hình thức quán triệt đã được triển khai mạnh mẽ. Trong đó, những hội nghị học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết bằng hình thức trực tuyến từ Trung ương đến cơ sở đã đem lại hiệu quả rõ rệt.
Lần đầu tiên Đảng ta triển khai học tập, quán triệt nghị quyết theo hình thức trực tuyến là Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII do Bộ Chính trị chủ trì tổ chức trong 2 ngày 27-28/3/2021, với 67 điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và hơn 7.400 điểm cầu cơ sở, với sự tham dự của gần 1 triệu đảng viên.
Tiếp đó, các hội nghị quan trọng, các hội nghị quán triệt nghị quyết hội nghị Trung ương khóa XIII, nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng cũng diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Với hình thức trực tuyến, đại đa số cán bộ, đảng viên được nghe các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng truyền đạt nghị quyết một cách trực tiếp mà không phải thông qua các cấp trung gian. Từ đó, tiếp thu một cách trực tiếp, nhanh chóng, đầy đủ, chính xác nhất.
Ở tỉnh ta, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và các cơ quan, ban, ngành, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, đã phát huy vai trò, trách nhiệm, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.
Trong quá trình tham gia học tập, đa số cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm túc nội quy hội nghị, tham gia trả lời và góp ý vào phiếu xin ý kiến của ban tổ chức hội nghị. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy đã thực hiện tốt việc quản lý, thăm dò ý kiến đánh giá nhận thức của từng đối tượng tham gia học tập và tổng hợp, xây dựng báo cáo kịp thời.
Việc học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng, Đảng bộ tỉnh theo hình thức trực tuyến cũng trở thành những đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, ngày càng đi vào nền nếp.
Không chỉ giúp nâng cao hiệu quả tuyên truyền về nội dung các nghị quyết nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, chính xác, mà việc tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến còn tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, khi cắt giảm được nhiều hội nghị ở các cấp trung gian khác nhau.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, trong thực tế vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên thường có tâm lý “ngại” tham gia học tập, quán triệt nghị quyết, hoặc có tham gia thì cũng chưa nghiêm túc.
Tôi có nhiều bạn bè đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Phần lớn trong số họ đều trách nhiệm, nhiệt tình với công việc; tích cực nghiên cứu, học tập để nâng cao tình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ; luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên một số người lại có biểu hiện lười tham gia hoặc tham gia cho có, thậm chí tìm cách không tham gia các hội nghị, các buổi nghiên cứu, quán triệt nghị quyết của Đảng.
Nên sau khi được học tập, quán triệt lại không biết nghị quyết có gì mới; không nắm được chủ trương, phương hướng cơ bản mà nghị quyết xác định, nhất là những nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực mình công tác.
Cần phải khẳng định rằng, việc học tập, quán triệt nghị quyết rất quan trọng, vì là cơ sở, tiền đề để triển khai thực hiện. Một khi cán bộ, đảng viên không nắm chắc, không hiểu rõ những đường lối, chủ trương, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được xác định trong nghị quyết thì không thể triển khai thực hiện đúng và hiệu quả. Thậm chí là dễ mắc sai lầm, chệch hướng, đi ngược với tinh thần nghị quyết đã xác định.
Vì vậy, để nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả cao, việc trước tiên và có ý nghĩa quyết định là phải tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết thật nghiêm túc, chất lượng. Phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên thấu suốt, nắm vững những nội dung cơ bản của nghị quyết, có nhận thức đúng để triển khai hành động đúng.
Muốn vậy, cần kiên quyết khắc phục triệt để hiện tượng tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết nặng về phô trương hình thức. Lấy kết quả học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết làm cơ sở để kiểm điểm, đánh giá tập thể cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần nêu gương, thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết tại cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành mình.
Quan trọng nhất là, mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng phải phát huy tối đa tinh thần tự học tập, nghiên cứu nghị quyết của mình. Chủ động và kiên quyết khắc phục tâm lý “ngại" học lý luận và nghị quyết, thiếu tự giác trong nghiên cứu, học tập nghị quyết.
Sông Côn