Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS

11/05/2024 13:24

Phát triển nhân lực là nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, đồng thời là yếu tố đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững.

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn xác định phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS là một trong những nhiệm vụ mang tính chiến lược.

Vì vậy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị tỉnh thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về nâng cao chất lượng nhân lực vùng DTTS.

Trong đó, đáng chú ý là ngày 6/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU xác định mục tiêu chung cho cả giai đoạn 2021-2030 là: “Tạo bước phát triển mạnh mẽ về chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS; rút ngắn khoảng cách và chênh lệch về điều kiện, chất lượng giáo dục giữa vùng DTTS với các vùng khác”.

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 02, đến nay 100% trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo; 94,9% học sinh DTTS cấp tiểu học hoàn thành chương trình học; 95,5% học sinh DTTS cấp THPT có học lực từ trung bình trở lên; 97,2% học sinh DTTS tốt nghiệp THPT (vượt 1,36% so với mục tiêu) và 50,8% học đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc đào tạo nghề.

Phát triển nhân lực là nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Ảnh: S.C

 

Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có đồng bào DTTS được nâng cao, với mạng lưới trạm y tế phủ kín các xã. Đến cuối năm 2023, tỷ suất tử vong trẻ em DTTS dưới 1 tuổi giảm còn 35,5‰; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em DTTS dưới 5 tuổi giảm còn 36,1%; tuổi thọ bình quân của đồng bào các DTTS đạt 67 tuổi.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn của đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ là người DTTS được quan tâm đặc biệt. Từ đó, đội ngũ này ngày càng củng cố, được đào tạo cơ bản về các mặt, từng bước trưởng thành, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Theo số liệu thống kê, hiện nay ở cấp tỉnh có 82/541 cán bộ người DTTS, giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên; cấp huyện có 225/645 cán bộ người DTTS, giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên; cấp xã có 397/591 cán bộ người DTTS, giữ các chức vụ bí thư, phó bí thư, chủ tịch, chủ tịch HĐND, UBND và cấp trưởng, cấp phó các tổ chức chính trị - xã hội.

Đây là những người có khả năng dẫn dắt, tập hợp cộng đồng DTTS trong tổ chức sản xuất, quản lý xã hội; tạo nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới song song với việc phát huy các tri thức bản địa và kinh nghiệm của DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, họ còn am hiểu đời sống, phong tục tập quán của đồng bào các DTTS. Vì vậy có khả năng giải quyết những vấn đề mới, vấn đề phát sinh trong thực tiễn, sản xuất và đời sống xã hội.

Luôn quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS. Ảnh: SC

 

Tuy nhiên, nhìn chung nguồn nhân lực của tỉnh nói chung và nguồn nhân lực trong vùng đồng bào DTTS nói riêng vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, trình độ, năng lực một bộ phận cán bộ người DTTS chưa đáp ứng nhiệm vụ; năng suất, chất lượng lao động trong đồng bào DTTS còn thấp, cơ cấu lao động chuyển dịch còn chậm.

Đào tạo và dạy nghề còn nhiều bất cập, đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng, có những ngành đào tạo dư thừa, sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong vùng đồng bào DTTS còn bất cập.

Phát triển nhân lực là nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, đồng thời là yếu tố đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS.

Trong đó, tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy nhằm nâng tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông. Củng cố vững chắc kết quả xóa mù chữ và chống tái mù chữ; cải thiện tỷ lệ sinh viên người DTTS tốt nghiệp cao đẳng, đại học/vạn dân.

Chú ý đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT, nâng cao tỷ lệ học sinh người DTTS học nghề. Thúc đẩy giải quyết việc làm cho lao động DTTS.

Rà soát xây dựng cơ chế đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS phù hợp với tình hình cụ thể, theo hướng gắn đào tạo với sử dụng; đào tạo theo địa chỉ, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với người DTTS, nhất là nhóm DTTS rất ít người, nhóm DTTS còn nhiều khó khăn. Sắp xếp, bố trí việc làm kịp thời, hợp lý đúng chuyên môn đào tạo cho sinh viên DTTS tốt nghiệp cao đẳng, đại học.

Chú trọng phát hiện, quy hoạch, đào tạo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là người đồng bào DTTS để xây dựng đội ngũ cán bộ toàn diện, đồng bộ, có chất lượng, đảm bảo tính kế thừa và liên tục trong đội ngũ cán bộ vùng đồng bào DTTS, làm tiền để cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.      

Sông Côn

Chuyên mục khác