22/08/2024 13:22
Sau khi tốt nghiệp ngành pháp lý hệ trung cấp của Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Kon Tum (nay là Trường Cao đẳng Kon Tum), Y Hoài Minh về công tác tại UBND xã Đăk Man, huyện Đăk Glei. Sau 2 năm Y Hoài Minh được Đảng ủy, UBND xã Đăk Man tạo điều kiện cho đi học trung cấp lý luận chính trị và học đại học chuyên ngành Luật học của Trường Đại học Vinh mở tại Kon Tum.
Y Hoài Minh cho biết: Trải qua nhiều vị trí công tác như công chức tư pháp - hộ tịch rồi văn phòng, thống kê xã, trong quá trình công tác, tôi luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cơ quan. Qua các lớp đào tạo, nhận thức và trình độ chuyên môn được nâng lên rõ rệt. Với những kiến thức đã học, tôi đã vận dụng vào thực tiễn công việc nên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Y Hoài Minh chỉ là một trong hàng trăm lượt cán bộ nữ, trẻ, người DTTS của huyện Đăk Glei được cử đi học các lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị và kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn thời gian qua.
|
Đồng chí Thái Văn Tưởng - Bí thư Huyện ủy Đăk Glei cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ (2020 - 2025) đến nay, địa phương đã cử 470 lượt cán bộ, công chức nữ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ chuyên môn (tăng 200 lượt so với nhiệm kỳ 2015 - 2020). Qua quá trình bồi dưỡng, đa số cán bộ, công chức nữ phát huy được năng lực, sở trường, năng động, sáng tạo, có chiều hướng phát triển tốt hơn.
Nhận thức rõ việc chăm lo công tác cán bộ nữ là nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược trong công tác cán bộ của Đảng, trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ, tiêu biểu là Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp, ngành, địa phương đã cử 2.446 cán bộ đi đào tạo lý luận chính trị, trong đó cán bộ nữ 983 đồng chí (chiếm 40,2%); cử hơn 8.500 lượt cán bộ đi bồi dưỡng các lớp nghiệp vụ, an ninh quốc phòng và các lớp bồi dưỡng khác, trong đó cán bộ nữ hơn 2.950 đồng chí (chiếm 34,7%).
Đội ngũ cán bộ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh ngày càng được nâng lên về số lượng và chất lượng; tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo trong công việc; nhiều đồng chí giữ vị trí, chức vụ chủ chốt trong hệ thống chính trị các cấp và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
Việc cơ cấu cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ trẻ, người DTTS vào cấp ủy, chính quyền các cấp được chú trọng thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
|
Toàn tỉnh hiện có 58/329 cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (chiếm 17,63%) với 100% được đào tạo cao cấp lý luận chính trị và có trình độ đại học trở lên; 8/50 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (chiếm 16%); 88/461 đồng chí tham gia Ban Chấp hành các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy (chiếm 19,09%); 349/1.571 đồng chí tham gia Ban Chấp hành đảng bộ xã, phường, thị trấn (chiếm 22,21%).
Nhiệm kỳ 2021 - 2026, có 18/51 nữ đại biểu HĐND tỉnh (chiếm 35,29%), 95/316 nữ đại biểu HĐND cấp huyện (chiếm 30,06%), 850/2.162 nữ đại biểu HĐND cấp xã (chiếm 39,31%). Tỷ lệ đảng viên nữ trong tổng số đảng viên mới kết nạp mới hàng năm từ đầu nhiệm kỳ đến nay đạt 47,92%.
Theo đồng chí Ngô Thị Hoàng Anh - Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, như tỷ lệ nữ giới tham gia cấp ủy và giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn thấp; tỷ lệ phụ nữ tham gia giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt chưa tương xứng với lực lượng cán bộ, công chức nữ hiện nay; năng lực, trình độ chuyên môn của một bộ phận cán bộ nữ còn hạn chế; một bộ phận phụ nữ tự ti, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Đồng chí Ngô Thị Hoàng Anh cho biết, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ trong tình hình mới, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này.
Đồng thời, xác định quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ là nhiệm vụ cấp bách, mang tính lâu dài, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, sớm bố trí cán bộ nữ vào chức danh được quy hoạch để thử thách, rèn luyện từ thực tiễn công tác ở cơ sở. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ nữ phát triển, khắc phục tình trạng hẫng hụt đội ngũ cán bộ nữ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp.
Hội LHPN các cấp cần chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách của trung ương và tỉnh về công tác cán bộ nữ, nhất là chủ động phối hợp với các ngành tổ chức bồi dưỡng, giới thiệu phụ nữ đủ tiêu chuẩn vào cấp ủy đảng, ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.
Dương Nương