18/10/2024 13:01
Cùng với tham nhũng, lãng phí gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển của mỗi địa phương, của đất nước, nên rất được Đảng, Nhà nước hết sức chú trọng phòng, chống. Tuy nhiên, nếu tham ô có những vụ, việc, con người hết sức cụ thể, thì lãng phí lại rất phổ biến, diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội như lãng phí thời gian, lãng phí tài nguyên, lãng phí nhân lực… và rất khó đong đếm được.
Vì phổ biến, vì diễn ra trên nhiều lĩnh vực, vì khó đong đếm được, tích tiểu thành đại, nên lãng phí có khi còn nguy hại hơn cả tham ô. Thử làm một phép so sánh một người tham nhũng 1 tỷ đồng với một người ra quyết định làm lãng phí 5-7 tỷ đồng, thì rõ ràng lãng phí gây thiệt hại cho dân, cho nước nhiều hơn.
Về vấn đề này, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến”; “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”.
|
Chính vì vậy, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có ban hành nhiều quy định nhằm tăng cường phòng, chống lãng phí như: Tiết kiệm chi thường xuyên, khoán chi, xây dựng định mức mua sắm tài sản công, tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, phát huy hiệu quả các nguồn vốn, quản lý đẩy mạnh cải cách hành chính, tiết kiệm, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, xây dựng quy chế quản lý xe công, nâng cao chất lượng quản lý các quy hoạch, cắt giảm biên chế, cắt giảm thời gian các cuộc họp, nhiều cuộc họp được chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến để tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian của các đại biểu.
Dù đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống lãng phí, tuy nhiên lãng phí vẫn còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của đất nước và gây suy giảm lòng tin trong nhân dân.
Mới đây, trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu rõ công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”.
Thực tế hiện nay cho thấy, có nhiều công trình, dự án được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí đầu tư lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nhưng công trình không sử dụng được hoặc không được sử dụng, hoạt động cầm chừng, dự án tiến độ ì ạch không chỉ không phát huy hiệu quả nguồn vốn mà còn dẫn đến đội vốn, rồi tình trạng có công trình, dự án vừa hoàn thành đã xuống cấp, hư hỏng.
Lấy đơn cử từ chuyện trường học, chợ, nhiều nơi cần không có, nhưng nhiều nơi có lại không cần. Bởi vậy, trong khi có chợ xây xong không có người vào mua bán, trường học xây xong không có học sinh vào học, nhưng dọc ven đường, ven xóm, người bán, người mua tấp nập, nhộn nhịp, lấn chiếm cả hành lang an toàn đường bộ, học sinh thì phải đi đường vòng, lội bộ nhiều cây số mới đến được lớp, được trường…
Nguyên nhân của tình trạng này là do các quyết định đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa dựa trên các yếu tố đảm bảo tính kinh tế - xã hội, chưa căn cứ vào khả năng thu xếp vốn dẫn đến tiêu tốn hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, con số tiền hàng chục, hàng trăm tỷ đồng lãng phí đó là từ nguồn thuế của nhân dân đã không được phát huy hiệu quả.
|
Hiện nay, đất nước, các địa phương đang trong giai đoạn phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, hằng năm còn phải đương đầu với thiên tai, dịch bệnh, thì đẩy mạnh phòng, chống lãng phí để phát huy hiệu quả các nguồn lực, dành nguồn kinh phí đầu tư các công trình, dự án cấp thiết, phục vụ cho sự phát triển của đất nước, đầu tư các công trình bức bách, phục vụ dân sinh ở vùng sâu, vùng xa; có thêm nguồn lực hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế, người nghèo trong xã hội là hết sức cần thiết.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài viết “Chống lãng phí” đã nhấn mạnh: “Công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới”. Trước yêu cầu bức thiết của sự phát triển, không chỉ là mệnh lệnh của người đứng đầu Đảng ta, Nước ta đối với cả hệ thống chính trị, mà còn là tâm tư, là mong muốn của mỗi người dân.
Làm sao để mệnh lệnh nói trên thấm sâu vào nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, đi vào đời sống xã hội như một thói quen tự nhiên, rất cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân, nhất là quyết tâm, sự nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí.
Nguyên Phúc