Lan tỏa tinh thần quyết liệt chống lãng phí

07/11/2024 06:00

Lãng phí đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác chống lãng phí. Gần đây nhất, ngày 25/12/2023 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chỉ thị yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức đảng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương; là văn hóa ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Quốc hội cũng đã thực hiện giám sát tối cao và ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Vì vậy thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, sáng 30/10/2024. Ảnh: daibieunhandan.vn

 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.

Như trong lĩnh vực đầu tư công, Nhà nước đã đầu tư nguồn vốn rất lớn để xây dựng các công trình trọng điểm, mang ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, không ít dự án đầu tư công bị đội giá so với dự toán; thi công ì ạch, chậm tiến độ hoặc “đắp chiếu”; xây dựng xong nhưng chỉ sử dụng một phần nhỏ công suất thiết kế, gây thất thoát lãng phí ngân sách, nguồn lực của Nhà nước.

Ngay cả các địa phương rất tích cực, chủ động đề xuất, triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất nhưng lại gặp nhiều rào cản, trở lực, đành phải gác lại, dẫn đến lãng phí.

Đề cập tới nguyên nhân chủ yếu dẫn ra tình trạng này, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu nhìn nhận, thất thoát lãng phí phần do nguyên nhân khách quan, như cơ chế chính sách, phần do nguyên nhân chủ quan. Trong đó, có sự buông lỏng quản lý, sự yếu kém của một số người có trách nhiệm.

Đáng chú ý là còn có một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý; chỉ coi lãng phí là hành vi cần khắc phục, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Ngoài ra, còn do chế tài xử lý lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định trách nhiệm của cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, việc xử lý hành vi vi phạm trong việc để xảy ra tình trạng lãng phí, tuy nhiên, các quy định này chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở.

Nâng cao năng suất lao động, chống lãng phí để tạo các nguồn lực phát triển đất nước. Ảnh: S.C

 

Mới đây, trong tháng 10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với nhan đề “Chống lãng phí” đăng tải rộng rãi trên các phương tiện báo chí, truyền thông.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra những thực trạng về vấn đề lãng phí đã và đang tồn tại ở đất nước ta trong nhiều lĩnh vực, từ tài nguyên thiên nhiên, ngân sách quốc gia đến nguồn nhân lực, thời gian và sức lực của con người.

Bên cạnh đó còn có những dạng lãng phí “vô hình” như lãng phí cơ hội, lãng phí tiềm năng, và đặc biệt là lãng phí trong hệ thống tổ chức và quản lý nhà nước.

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh “Chống lãng phí” là một yêu cầu, nhiệm vụ rất khẩn trương, cấp bách để tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ngày 29/10/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 191-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (thay thế Quy định số 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021). Trong đó bổ sung chức năng, nhiệm vụ về phòng, chống lãng phí cho Ban Chỉ đạo.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định, việc kịp thời bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống lãng phí đối với Ban Chỉ đạo được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá là rất đúng, rất trúng, mong chờ sớm có những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.

Việc Bộ Chính trị kịp thời bổ sung nhiệm vụ phòng, chống lãng phí cho Ban Chỉ đạo khẳng định tinh thần đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời cho thấy Đảng, Nhà nước ta xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quyết định này được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá là rất đúng, rất trúng, mong chờ khí thế mới, những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tất nhiên, cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng xác định rõ đây là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, cần phải kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thấp đến cao.

Trong đó, công tác phòng chống lãng phí cần được tiến hành kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai như công tác phòng chống tham nhũng. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu gương thực hiện.

Từ đó lan tỏa tinh thần kiên quyết phòng, chống lãng phí đến mỗi người dân và toàn xã hội; đưa chống lãng phí trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội.         

Sông Côn

Chuyên mục khác