01/09/2024 06:17
Trước đổi mới (1986) nước ta áp dụng mô hình kế hoạch hóa tập trung. Tuy nhiên, mô hình này đã bộc lộ nhiều hạn chế, cản trở, đẩy nền kinh tế-xã hội của đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Đứng trước tình hình này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần VI của Đảng (1986) đã thực hiện đổi mới tư duy, chuyển nền kinh tế vận hành theo cơ chế tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường.
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (năm 2001), Đảng ta chính thức xác định mô hình kinh tế tổng quát thời kỳ quá độ ở Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng XHCN: “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
|
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã tiếp tục làm rõ nội hàm, mục tiêu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đó là: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của nền kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục làm rõ hơn: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”.
Đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Trong đó, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Về cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam được Đảng ta xác định: Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế. Thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông; điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém.
|
Các tổ chức xã hội có vai trò tạo sự liên kết, phối hợp hoạt động, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên; đại diện và bảo vệ lợi ích của các thành viên trong quan hệ với các chủ thể, đối tác khác; cung cấp dịch vụ hỗ trợ các thành viên; phản ánh nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân với Nhà nước.
Về hình thức phân phối, Đảng ta xác định quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; các nguồn lực được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Hiện nay, cũng có một số luận điệu sai trái về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Trong đó, có luận điệu phủ nhận tính có thể hay khả năng hiện thực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; cho rằng sẽ không thể có được cái gọi là kinh tế thị trường định hướng XHCN, việc định hướng XHCN là tù mù, kinh tế thị trường XHCN càng tù mù hơn, rằng Việt Nam chưa có kinh tế thị trường đúng nghĩa.
Thực tế đã chứng minh rằng, định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường hay tính định hướng trong phát triển nền kinh tế thị trường là hoàn toàn đúng đắn. Và các luận điệu trên chỉ mang tính xuyên tạc, bóp méo sự thật, không mang tính khoa học và tính thực tiễn.
Qua gần 40 năm đổi mới, dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng Việt Nam luôn nằm trong nhóm những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm; quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ đô-la Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới; GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 đô-la Mỹ năm 2023.
Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030; Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu; Việt Nam đã ký và đưa vào thực thi 17 hiệp định thương mại tự do.
Từ những thành tựu về phát triển các yếu tố thị trường, các loại thị trường, chứng tỏ sự hiện diện có thật của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Những thành tựu đạt được trên mọi mặt xã hội, sự mở rộng quan hệ thị trường với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, đã chứng tỏ đặc trưng hiện đại, hội nhập của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là có thật, không như một số luận liệu xuyên tạc bản chất nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.
Mới đây, thông tin từ Bộ Công thương cho biết, ngày 2/8/2024, sau thời gian xem xét, Bộ Thương mại Mỹ vẫn chưa xếp Việt Nam là nền kinh tế thị trường, dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực. Với cách nhìn nhận này ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là hoạt động xuất-nhập khẩu của đất nước.
Trên thực tế, mỗi nền kinh tế có quy định riêng về các tiêu chí xác định nền kinh tế thị trường. Đối với Mỹ quy định có 6 tiêu chí để xem xét một nền kinh tế có thị trường hay không, gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; mức độ kiểm soát của chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; các yếu tố khác.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công thương thì: “Mức độ thực hiện 6 tiêu chí của Việt Nam ít nhất ngang bằng và thường tốt hơn so với quốc gia khác đã được công nhận nền kinh tế thị trường; và thực tế tương đương hoặc tốt hơn các quốc gia đã luôn được coi là nền kinh tế thị trường”. Và hiện nay cũng đã có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Vì vậy, hy vọng Mỹ sẽ sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Sông Côn