Huyện Tu Mơ Rông: Bước phát triển sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng

17/09/2018 13:01

​Bằng các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát thực tế, phù hợp với điều kiện, lợi thế ở địa phương, trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu, phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương, từng bước đưa kinh tế - xã hội ở Tu Mơ Rông phát triển và đạt được những kết quả khá vững chắc…

Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, Huyện ủy Tu Mơ Rông tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình hành động toàn khóa, trong đó xác định nhiệm vụ cụ thể công việc, phần việc hàng năm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với các đơn vị, tổ chức đảng trực thuộc.

Huyện ủy Tu Mơ Rông xác định nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy phát triển kinh tế làm động lực, lấy tiềm năng, lợi thế của địa phương kết hợp với tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài làm hướng đi chủ lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Khởi sắc hạ tầng ở huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: P.N

 

Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện chú trọng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020; quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của huyện và triển khai tổ chức một cách quyết liệt, đồng bộ…

Huyện ủy Tu Mơ Rông kịp thời ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU cuả Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững; xây dựng đề án bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2016-2020.

Xác định tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương và cụ thể hóa định hướng trên, huyện Tu Mơ Rông đẩy nhanh việc phát triển diện tích cây lâu năm như cà phê, bời lời, trồng rừng và các loại dược liệu như sâm Ngọc Linh, sâm dây, ngũ vị tử...; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hoá, chú trọng thâm canh tăng năng suất, mở rộng diện tích cây trồng.

Các địa phương cơ sở tập trung phát triển diện tích cây cà phê bằng cách tập trung đầu tư tăng năng suất, hỗ trợ nhân dân cải tạo, thay thế vườn cà phê già cỗi. Quy hoạch và xác định quỹ đất để phát triển cà phê xứ lạnh và có cơ chế hỗ trợ kỹ thuật cho nhân dân trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, thực hiện thu hái, phơi sấy, bảo quản cà phê đúng kỹ thuật với diện tích đã đưa vào khai thác; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển diện tích cà phê, xây dựng cơ sở chế biến.

Đối với cây sâm Ngọc Linh, tiếp tục triển khai các dự án trồng dưới tán rừng bằng hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và nhân dân, đầu tư hỗ trợ giống và hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật.

UBND huyện chỉ đạo các xã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng chuyên canh, xen canh và phát triển mô hình trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã…, đối với các loại cây dược liệu như sâm dây, đương quy, ngũ vị tử…

Cùng với đó, huyện Tu Mơ Rông chủ động phối với các cơ quan chức năng của tỉnh trong công tác thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế đến đầu tư các sản phẩm có thế mạnh của huyện đối với các loại cây trồng nói trên; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp thực hiện bao tiêu sản phẩm, xây dựng nhà máy chế biến trên địa bàn, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân…

Sau hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, kinh tế - xã hội Tu Mơ Rông có bước phát triển rõ rệt, nhiều chỉ tiêu kinh tế đạt kết quả khả quan so với tiến độ đề ra. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn được duy trì ổn định,  mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 16%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng các ngành kinh tế cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra.

Một số cây trồng chủ lực, có lợi thế, phù hợp với điều kiện của huyện được người dân chú trọng phát triển, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu tập trung. Đến nay, diện tích gieo trồng cây lương thực hàng năm đạt trên 5.120ha; diện tích cây lâu năm có khoảng hơn 6.200ha, trong đó, cây bời lời có hơn 4.700ha, cà phê có hơn 1.440ha, hơn 100ha cao su và khoảng hơn 400ha các dược liệu các loại…

Trong nửa nhiệm kỳ qua, huyện Tu Mơ Rông chú trọng ưu tiên các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như xây dựng đường giao thông, công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng nước sinh hoạt và các công trình hạ tầng khác được đầu tư xây dựng.

Đến nay, huyện Tu Mơ Rông có 11/11 xã có đường ô tô đến trung tâm, 91/91 thôn làng có điện lưới quốc gia với tỷ lệ hộ dùng điện đạt 100%; 80% số hộ dân vùng nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…; thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm...

Tu Mơ Rông phát triển cây sâm dây. Ảnh: P.N

 

Đồng chí Võ Trung Mạnh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tu Mơ Rông cho biết: Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện chủ động xây dựng và tích cực chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án toàn khóa trên các lĩnh vực. Huyện ủy tập trung lãnh đạo phát triển đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tập trung lãnh đạo UBND huyện, UBMTTQ và các ban, ngành của huyện triển khai nghiêm túc các nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới, huy động hiệu quả các nguồn lực thực hiện chương trình; phát huy tiềm năng, lợi thế, điều kiện thực tế của địa phương để đẩy nhanh phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững…

Trong nửa đầu nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tu Mơ Rông lần thứ XVI, kinh tế - xã hội của địa phương đã có những bước tiến rõ rệt, đạt những kết quả khả quan, đời sống các tầng lớp nhân dân từng bước được nâng lên.

Chúng ta hoàn toàn tin tưởng, với sự quyết tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, huyện Tu Mơ Rông nhất định sẽ hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đã đề ra.  

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác