14/07/2024 14:00
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra thông điệp về văn hóa từ chức: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui”.
Trong nhiều bài viết và nhiều lần phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở, phân tích sâu sắc về tư cách, đạo đức cách mạng và danh dự của cán bộ, đảng viên.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên hãy giữ liêm sỉ và danh dự; hãy khắc cốt ghi tâm: “Lời thề trước Đảng - Hãy giữ danh thơm tiếng tốt”, “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Và tại Hội nghị đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV tổ chức ngày 13/5/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ: Với cán bộ đã vi phạm và thấy tay nhúng chàm rồi, những người này tốt nhất là xin thôi, như thế là nhẹ nhàng, nhân văn, tiến bộ.
|
Có thể nói, vấn đề từ chức được Đảng ta quan tâm, đặc biệt từ sau Đại hội VI của Đảng (năm 1986) khởi xướng công cuộc Đổi mới. Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh” đã nhấn mạnh: “Trong thời hạn đảm nhiệm chức vụ, người nào vì công việc, lý do sức khoẻ, hoàn cảnh cá nhân được từ chức, miễn chức; người nào không hoàn thành nhiệm vụ, có sai phạm, uy tín giảm sút thì tùy theo mức độ mà bị miễn chức, hoặc cách chức kịp thời”.
Tiếp đó là các Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30/7/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị; Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đều có quy định liên quan đến vấn đề từ chức.
Đặc biệt, ngày 9/5/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới.
Trong đó, tại Điều 3 “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” có yêu cầu “thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”.
Ngày 9/7/2024, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Lương Cường- Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Cán bộ, đảng viên lúc nào cũng phải đề cao danh dự, liêm sỉ, văn hóa công vụ, văn hóa từ chức để việc có lên, có xuống, có vào, có ra trở thành văn hóa trong Đảng, coi đây là việc làm bình thường trong công tác cán bộ của ta.
Đồng thời, cán bộ cần phải vững vàng trước thách thức để không bị cám dỗ trước tiền tài, vật chất, danh vọng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất”.
|
Những năm gần đây, cùng với những chủ trương và chỉ đạo quyết liệt của Đảng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, những đòi hỏi khách quan từ sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, hội nhập quốc tế, từ chức đang dần trở thành hành động “bình thường” của người có chức vụ khi không còn năng lực, uy tín bảo đảm hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bằng chứng là đã có những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ chức trong thời gian qua, cho thấy sự hiểu biết về bổn phận và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ, là một trong những biểu hiện sinh động, cụ thể và thiết thực của những cán bộ lãnh đạo, quản lý có liêm sỉ, trọng danh dự và dám chịu trách nhiệm đối với sự nghiệp của Đảng và đất nước.
Ở tỉnh ta, cũng đã có những cán bộ lãnh đạo tự nguyện xin nghỉ trước tuổi để tạo điều kiện cho lớp cán bộ trẻ có không gian phấn đấu, rèn luyện và phát triển tốt hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Và nhân dân cũng đã ghi nhận ý thức, đạo đức, danh dự và lòng tự trọng của cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, có thể thẳng thắn nhìn nhận rằng, ở nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng, cán bộ giữ chức vụ trong hệ thống chính trị từ chức chưa nhiều, chưa phổ biến.
Vì vậy, để từ chức trở thành văn hóa, mỗi cán bộ, đảng viên giữ vị trí quản lý, lãnh đạo cần quán triệt sâu sắc các nội dung, yêu cầu tại Quy định 144 ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị.
Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu nêu cao danh dự và lòng tự trọng, thấy rõ trách nhiệm của mình với nhân dân và vì sự nghiệp phát triển của địa phương. Qua đó, tiếp tục nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên; đặt lợi ích của tổ chức và xã hội cao hơn lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ.
Một khi có động cơ trong sáng, tất cả vì lợi ích của người dân và vì mục tiêu phát triển của tỉnh, thì việc tự giác từ chức khi không đủ năng lực, phẩm chất, không còn phù hợp với vị trí lãnh đạo, quản lý, để người khác có năng lực hơn, phù hợp hơn tiếp tục thực hiện công việc sẽ không còn nặng nề, không còn là “thua kém” hay “đầu hàng”, hoặc “chạy trốn”.
Hải Lê