18/11/2020 06:03
Về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tại mục 2 về phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo: Đề nghị bổ sung nội dung “Xây dựng và triển khai chiến lược Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ; ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao”.
Tại mục 7 về quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: Đề nghị quan tâm, có giải pháp cụ thể, nhằm xử lý có hiệu quả rác thải đô thị, ô nhiễm môi trường và chống hạn, xâm nhập mặn vùng ven biển; có chủ trương, chính sách cụ thể về quy hoạch, sắp xếp dân cư, tái định cư, ổn định sản xuất cho các khu dân cư ở những huyện miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...
|
Về thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, cần khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học công nghệ trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số, chuyển đổi số với các chính sách, biện pháp mạnh và quyết liệt hơn.
Việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, nên thêm nội dung đối với Vùng Tây Nguyên “Tăng cường phát năng lượng điện mặt trời, hạn chế phát triển thủy điện để có điều kiện quản lý bảo vệ rừng bền vững, bảo vệ tốt đầu nguồn sông, suối các tỉnh Tây Nguyên và ven biển miền Trung”.
Việc đánh giá công tác xây dựng nông thôn mới cần thực chất hơn, mang lại hiệu quả thiết thực hơn, nhất là vấn đề đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ứng dụng hiệu quả thành tựu của cách mạng khoa học 4.0 vào sản xuất và đời sống. Trong xây dựng nông thôn mới có sự coi trọng việc nâng mức thu nhập, cải thiện phúc lợi và điều kiện làm việc của người lao động; xây dựng xã hội hài hòa, môi trường lành mạnh, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, đô thị văn minh, nông thôn kiểu mẫu...
Quốc Tuấn (thực hiện)