Ghi nhận từ Hội thi “Dân vận khéo”

24/09/2024 06:43

Sôi nổi, lôi cuốn, hấp dẫn, Hội thi “Dân vận khéo” do Thành ủy Kon Tum tổ chức đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Hội thi góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác dân vận.

Đưa thực tiễn vào tiểu phẩm

Mồ hôi chảy ròng ròng, chị Y Geo – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Kon Tum, Đội trưởng Đội thi số 7 thở phào nhẹ nhõm khi vừa hoàn thành tiểu phẩm “Trái tim người dân vận”. Kịch bản kỹ lưỡng, nội dung hấp dẫn, cán bộ “hóa vai” như diễn viên thực thụ, tiểu phẩm nhận được những tràng vỗ tay giòn giã từ phía dưới khán đài.

Chia sẻ về kịch bản, chị Y Geo nói rằng, bản thân chị thường xuyên làm công tác dân vận nên chị hiểu rõ vai trò của công tác dân vận cũng như vai trò, trách nhiệm của người làm công tác dân vận. Khi xây dựng tiểu phẩm, chị cùng cả đội bàn nhau phải đưa vấn đề thực tiễn vào tiểu phẩm để toát lên ý nghĩa của công tác dân vận.

Các tiểu phẩm được dàn dựng công phu thể hiện vai trò của công tác dân vận. Ảnh: HT

 

“Thực tế, nhiều hộ gia đình, nhất là người đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố có vườn, có rẫy nhưng lại không biết hoạch định, chưa biết cải tạo vườn tạp để phát triển kinh tế. Từ thực trạng đó, các cấp, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác dân vận, thuyết phục bằng lời nói, bằng việc hỗ trợ cây, con giống hỗ trợ giúp bà con cải tạo vườn tạp, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Lấy nội dung thực tế đang triển khai, chúng tôi “gói gọn”, đưa vào trong tiểu phẩm”- chị Y Geo chia sẻ.

Nếu Đội thi số 7 chọn vấn đề dân vận giúp người dân phát triển kinh tế thì Đội thi số 8 lại đưa công tác dân vận phòng chống bạo lực gia đình vào tiểu phẩm. Nói về lí do chọn chủ đề, chị Nguyễn Thị Huệ - Chi bộ Văn phòng HĐND – UBND thành phố Kon Tum (thành viên đội 8) cho biết, hiện nay, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra và để lại nhiều hệ lụy đau lòng. Không chỉ gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên trong gia đình, bạo lực gia đình còn gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.

“Thế nhưng, nhiều người vẫn chưa nhận thức sâu sắc để phòng, chống bạo lực gia đình. Chúng tôi đưa nội dung này vào tiểu phẩm, nhấn mạnh phòng chống bạo lực gia đình là một trong những vấn đề cần chú trọng. Phòng, chống bạo lực gia đình không là câu chuyện từ mỗi gia đình mà cần sự chung tay của toàn xã hội” – chị Huệ nói.

Đầu tư, chuẩn bị kỹ, nội dung, chi tiết trong từng tiểu phẩm đã phản ánh rõ thực trạng đang diễn ra hàng ngày trên tất cả các mặt của đời sống xã hội trên địa bàn thành phố Kon Tum. Đặc biệt, các vấn đề đặt ra đều được giải quyết thấu đáo, thuyết phục, tạo sự đồng thuận, thể hiện rõ nét ý nghĩa của “Dân vận khéo”.

Gửi gắm qua hội thi

Tham gia Hội thi, 10 đội lần lượt trải qua 3 phần thi: Chào hỏi, xử lý tình huống, tiểu phẩm. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các đội thi đã khắc họa được vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận.

Những tràng pháo tay giòn giã cổ vũ các đội phần nào thể hiện được sự lôi cuốn, sôi nổi qua từng phần thi tại hội thi. Sau khi tập trung cho phần thi của đội mình, chị Huệ còn theo dõi phần thi của các đội khác. Chị Huệ nói rằng, các đội đã chuẩn bị công phu từ âm thanh, ánh sáng, nội dung, nhất là việc xây dựng tiểu phẩm. Các tiểu phẩm, cách xử lý tình huống đã làm nổi bật đặc điểm, những vấn đề nổi cộm tại từng đơn vị, từng địa phương.

“Qua các phần thi, tôi hiểu rõ hơn tầm quan trọng của công tác dân vận. Tôi cũng mong muốn, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, ngoài thực tế cũng xử lý linh hoạt, hiệu quả như trong tình huống đưa ra. Hơn thế, bản thân tôi cũng hiểu được rằng, người làm công tác dân vận phải sâu, đi sát vào thực tế cuộc sống”– chị Huệ chia sẻ.

Cũng như chị Huệ, qua theo dõi việc đưa ra các tình huống và xử lý các tình huống của các đội, chị Y Geo cũng tích lũy được cho mình những kinh nghiệm quý báu trong công tác dân vận. Về bản thân mình, chị nói rằng sẽ cố gắng nói đi đôi với làm, tuyên truyền đi đôi với thực hành để mang lại hiệu quả cao.

Các đội tham gia các phần thi. Ảnh: H.T

 

“Có nhiều trường hợp rất khó vận động, do đó, tôi nghĩ, người làm công tác dân vận phải kiên trì, bền bỉ, nhiều khi phải đợi “mưa dầm thấm lâu”. Ngoài ra, tôi cũng hiểu được rằng, phải “mềm hóa”, linh hoạt trong công tác tuyên truyền mới mang lại hiệu quả cao” – chị Y Geo cho biết.

Đánh giá kết quả tại hội thi, bà Trịnh Thị Kim Nga - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Kon Tum nhấn mạnh, hội thi thành công, tốt đẹp; các đội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự nỗ  lực trong việc tiếp thu, nắm các kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện công tác dân vận.

Bà Trịnh Thị Kim Nga bày tỏ tin tưởng, với thành công và bài học kinh nghiệm tại hội thi, mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trên địa bàn thành phố Kon Tum trong thời gian đến sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa, trang bị, hoàn thiện thêm kiến thức và kỹ năng, đổi mới nội dung chất lượng công tác tuyên truyền, vận động đáp ứng yêu cầu về công tác Dân vận và phong trào “Dân vận khéo” trong tình hình mới.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác