15/05/2024 13:43
Một trong sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 để tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được xác định là tăng cường, đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận của hệ thống chính trị.
Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân vận, nhất việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác tiếp dân và đối thoại với nhân dân.
Trước tiên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời cụ thể hoá các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác dân vận thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong thời kỳ mới, nhằm tạo cơ chế để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 324-QĐ/TU, ngày 14/2/2022 về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh và lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện.
|
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị ban hành quy chế, chương trình phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân vận, như Ban cán sự Đảng UBND tỉnh ký kết chương trình phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy; UBND tỉnh ký kết quy chế phối hợp với Tỉnh đoàn, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, LĐLĐ tỉnh và Hội LHPN tỉnh.
Ngoài ra, Tỉnh ủy còn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác dân vận trên địa bàn tỉnh, như Công văn số 1026-CV/TU ngày 24/3/2020 chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện “Năm dân vận khéo” 2020; Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 18/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường lãnh đạo tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp”, Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 21/6/2023 về tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Các cấp ủy, tổ chức đảng đã quán triệt và cụ thể hóa công tác dân vận ở cơ quan, đơn vị, địa phương với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, từ đó huy động được nguồn lực to lớn từ nhân dân trong phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của địa phương. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được xây dựng, duy trì, nhân rộng. Kết quả, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì được 696 mô hình, điển hình dân vận khéo; trong đó, lĩnh vực kinh tế 256 mô hình, lĩnh vực văn hóa - xã hội 175 mô hình, lĩnh vực quốc phòng - an ninh 192 mô hình và lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị 73 mô hình.
HĐND tỉnh cũng kịp thời cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, trong đó có các nội dung liên quan đến công tác dân vận, hoạt động tiếp xúc cử tri tiếp tục được đổi mới; công tác tiếp công dân được duy trì, thực hiện theo định kỳ. Ngoài ra, các hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề được tăng cường, tập trung vào những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp; tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp.
|
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cũng tập trung đổi mới nội dung, phương pháp vận động quần chúng phù hợp với từng đối tượng, hướng các hoạt động về cơ sở; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, các vấn đề bức xúc nảy sinh ở cơ sở; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đối với quy chế dân chủ ở cơ sở được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt; tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với nhân dân” gắn việc phát huy dân chủ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Đồng thời, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; các chính sách của Nhà nước được các cấp chính quyền thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quán triệt và triển khai thực hiện tốt các quy định về tiếp dân, đối thoại với nhân dân, nên việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm thực hiện, tỷ lệ đơn được giải quyết đạt 98,64%.
Thực tế cho thấy, công tác dân vận của hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay tiếp tục được đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới. Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo cơ quan, đơn vị tập trung triển khai hiệu quả công tác dân vận, nhất là thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tiếp dân và đối thoại với nhân dân đã góp phần lớn trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh của Đảng bộ tỉnh.
Dương Nương