01/12/2024 13:01
Toàn tỉnh có 3 địa phương trọng điểm về phát triển dược liệu là Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông. Đến nay, tại 3 địa phương này phát triển được 8.338ha dược liệu, chủ yếu là sâm Ngọc Linh và đảng sâm. Trong đó, Tu Mơ Rông nhiều nhất với gần 3.959ha, tiếp đến là Đăk Glei gần 2.700ha và Kon Plông gần 1.679ha.
Đồng chí Thái Văn Tưởng - Bí thư Huyện ủy Đăk Glei cho biết: Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 14 của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành các chương trình và chỉ đạo UBND huyện ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn xây dựng lộ trình cụ thể để phát triển diện tích các loại cây dược liệu, chuyển đổi một số diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây dược liệu. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được gần 2.700ha; trong đó, sâm Ngọc Linh 46,91ha (đạt 105,68% so với mục tiêu đề ra) và dược liệu khác gần 2.560ha. Riêng năm 2024 trồng mới được trên 500ha, trong đó có gần 495ha dược liệu hàng năm (sâm dây, đương quy, sả, nghệ) và 6,3ha sâm Ngọc Linh.
|
|
Tại huyện Tu Mơ Rông, ngay sau khi có Nghị quyết 14-NQ/TU, Huyện ủy đã ban hành Chương trình, chỉ đạo UBND huyện cụ thể hóa bằng các kế hoạch thực hiện; trong đó, tập trung các nguồn lực, giải pháp để hỗ trợ cho người dân về cây giống, kỹ thuật, giao đất giao rừng để người dân có điều kiện thuận lợi phát triển dược liệu.
“Địa phương đã có chính sách hỗ trợ, khuyến khích để người dân tích cực tham gia trồng dược liệu phát triển kinh tế như hỗ trợ giống, vật tư từ các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển diện tích dược liệu; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho người dân về quy trình sản xuất cây dược liệu; tăng cường tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ cây dược liệu là thế mạnh của huyện, tạo động lực cho nhân dân phát triển các loại cây dược liệu” – đồng chí Võ Trung Mạnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết.
Đến nay, huyện Tu Mơ Rông đã phát triển được gần 3.959ha dược liệu trong dân, doanh nghiệp, hợp tác xã; trong đó, sâm Ngọc Linh 2.401,67ha (phát triển trong dân 84,88ha, còn lại là của doanh nghiệp); cây dược liệu khác 1.556,64ha (phát triển trong dân 1.183,64ha).
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết.
Các cấp ủy đảng đã xây dựng chương trình thực hiện Nghị quyết. Chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện. Các chủ trương đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu được các cấp, ngành tổ chức bằng nhiều hình thức tạo sự lan tỏa trong nhận thức và hành động của người dân và doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết, qua đó đã kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Kết quả, tính đến hết tháng 9/2024, diện tích sâm Ngọc Linh đã đạt 2.445,53ha/4.500ha, đạt 54,34% chỉ tiêu Nghị quyết. Ước thực hiện đến hết năm 2024 trồng mới 578ha đạt 115,6% kế hoạch, nâng diện tích sâm Ngọc Linh lên 3.000ha. Dự kiến đến hết năm 2025 trồng được 4.500ha sâm Ngọc Linh tập trung và trong dân, đạt 100% mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đề ra.
Đối với các loại dược liệu khác, tính đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh đã trồng được 8.443,65ha/10.000ha, đạt 84,43% mục tiêu Nghị quyết. Ước đến hết năm 2024 đạt 9.277ha/10.000ha, đạt 92,7% mục tiêu Nghị quyết. Ước đến hết năm 2025 trồng được 10.000ha, đạt 100% mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở sản xuất giống, đạt 50% chỉ tiêu Nghị quyết; 3 trung tâm dịch vụ nông nghiệp (huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông) cũng gieo ươm giống cây dược liệu cung ứng trên địa bàn. Trên địa bàn tỉnh có 8 cơ sở chế biến có quy mô vừa và lớn, 55 HTX trồng và chế biến dược liệu/188 HTX sản xuất nông nghiệp.
Tính đến hết tháng 9/2024 đã khai thác được 710,5 tấn dược liệu tự nhiên (572 tấn cu ly và 138,5 tấn huyết đằng), khai thác 37.460 tấn dược liệu (sâm dây 12.176 tấn, nghệ vàng 15.713 tấn, sả Java 2.206 tấn), vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Giá trị tăng thêm của sản xuất cây dược liệu đạt 1.650 tỷ đồng, chiếm 24%, đóng góp vào tổng sản phẩm của tỉnh khoảng 872,5 tỷ đồng, đạt 43,6% mục tiêu Nghị quyết. Dự báo đến 2025 việc đầu tư phát triển cây dược liệu đóng góp vào tổng sản phẩm khoảng 2.000 tỷ, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, mục tiêu chung “Đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, nâng tầm vị thế thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế” đang dần trở thành hiện thực.
Dương Nương