27/10/2014 11:04
|
Trong những lần dự sinh hoạt chi bộ ở nơi cư trú (theo QĐ 76-QĐ/TW), tôi thường được nghe những băn khoăn của các đồng chí trong cấp ủy: Với đặc thù đảng viên tham gia sinh hoạt loại hình chi bộ khu dân cư (thôn, làng, tổ dân phố) chủ yếu là cán bộ về hưu, chuyển sinh hoạt về nơi cư trú hoặc là đảng viên tại chỗ nên việc tổ chức sinh hoạt hàng tháng gặp không ít khó khăn. Để cái khó không bó được cái khôn, cấp ủy nhiều địa phương đã có sự chủ động, linh hoạt trong xác định cách thức, phương pháp sinh hoạt phù hợp với tình hình thực tế...
Phải gắn với những việc thiết thực
Là cán bộ lãnh đạo chuyên trách công tác Đảng lâu năm, ông Ka Ba Tơ– nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhìn nhận: Hiện nay, thực tế sinh hoạt đảng ở loại hình chi bộ khu dân cư có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, đòi hỏi mỗi cấp ủy cần có những giải pháp khắc phục cụ thể.
Ông Ka Ba Tơ lý giải: Nói thuận lợi là vì đa số đảng viên sinh hoạt ở khu dân cư chủ yếu là cán bộ về hưu, cán bộ chuyển sinh hoạt về nơi cư trú nên trình độ lý luận chính trị và chuyên môn cao; lập trường, tư tưởng vững vàng; việc cập nhật thông tin về chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật Nhà nước thường xuyên; nhận thức được tầm quan trọng trong lãnh đạo của chi bộ và vai trò, trách nhiệm của người đảng viên ở khu dân cư gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương; vấn đề thực hiện quy chế dân chủ cơ sở gắn với cuộc vận động xây dựng thôn (làng), tổ dân phố văn hóa… Những đảng viên này luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động, phong trào ở khu dân cư.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là ở loại hình chi bộ khu dân cư, mỗi đảng viên một nghề nghiệp, việc làm khác nhau, hoàn cảnh khác nhau; trong đó có những đảng viên quanh năm suốt tháng phải bươn chải kiếm sống; có đảng viên tuổi cao; có đảng viên thường xuyên vắng mặt vì nhiều lý do (theo con cái, đi chữa bệnh…) nên rất khó cho chi bộ trong công tác quản lý đảng viên; nhất là việc tổ chức sinh hoạt, phải xem xét chọn thời điểm phù hợp để mỗi đảng viên cùng tham gia sinh hoạt vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sinh hoạt chi bộ ở khu dân cư.
Theo ông Ka Ba Tơ, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở khu dân cư là đòi hỏi khách quan từ cuộc sống. Nhưng muốn nâng cao được chất lượng đối với loại hình chi bộ này thì trong sinh hoạt phải gắn với những việc làm thiết thực; đổi mới nội dung sinh hoạt, không thể theo kiểu đến kỳ sinh hoạt, đảng viên tập trung đến nghe cấp ủy báo cáo tình hình hoạt động của chi bộ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian đến… Nếu chỉ dừng lại ở cách sinh hoạt như trên bên cạnh gây nhàm chán, đảng viên sẽ không nêu cao được vai trò, trách nhiệm của mình mà chỉ là thực hiện nghĩa vụ của một công dân nơi cư trú. Gắn với những vấn đề quan tâm ở khu dân cư sẽ được chi bộ đưa ra bàn bạc dân chủ trước khi đưa ra quyết định, nghị quyết cụ thể với những mục tiêu, kế hoạch cần phải thực hiện; tránh rơi vào tình trạng phân tán, hình thức, đảm bảo được nguyên tắc tập trung dân chủ.
Chi bộ Đăk Kang Yốp…
Bí thư Đảng ủy xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà) – Nguyễn Văn An cho biết: Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở khu dân cư, nhất là đối với vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, năm 2014, Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các chi bộ thay đổi phương thức tổ chức sinh hoạt phải gắn với những việc làm thiết thực.
Tạo điều kiện để các chi bộ ở vùng nông thôn phát huy vai trò lãnh đạo, nâng cao chất lượng sinh hoạt, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về nâng cao cao nhận thức của đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong công tác rào vườn, vệ sinh môi trường phục vụ xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo thực hiện chủ trương “5 không, 3 có” (không vứt rác bừa bãi, không bỏ hoang đất, không lười biếng trong lao động; có vườn rau, có nhà vệ sinh, có chuồng trại, có rào vườn, có hố rác). Sau khi đề ra chủ trương, Đảng ủy xã đã giao chi bộ các thôn, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền chủ trương, lựa chọn một số thôn triển khai mô hình điểm để nhân rộng.
Mặc dù có số lượng đảng viên ít (5 đảng viên) nhưng thời gian qua chi bộ thôn Đăk Kang Yốp, trong đó người đứng đầu là Bí thư chi bộ A Nĩ luôn được đánh giá cao trong phát huy vai trò lãnh đạo Đảng, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; mọi việc ở cở sở đều được bà con đồng tình hưởng ứng, giải quyết nhanh chóng. Cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng ủy xã lần này, chỉ sau 2 tháng lãnh đạo triển khai thực hiện, Đăk Kang Yốp đã dẫn đầu các thôn (làng) khác của xã Đăk Hring khi nhà nhà cùng nhau rào vườn bằng những nguyên vật liệu sẵn có (tre, gỗ); gia đình có điều kiện xây tường rào bằng xi măng, bằng lưới B40, kẽm gai.
Thực hiện chủ trương làm đường bê tông nông thôn (theo QĐ 1091 của UBND tỉnh) với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, lắng nghe nhiều ý kiến bàn luận trong dân, ông A Nĩ đã nhanh chóng đưa vấn đề trên ra cuộc họp chi bộ để cùng bàn bạc, thảo luận; cùng với thôn trưởng tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động người dân hiểu và thực hiện. Vì vậy, trong quá trình triển khai làm đường, nhiều hộ dân sẵn sàng hiến đất, góp công, góp sức để cùng tham gia. Kết quả, chỉ sau 1 tháng ra quân, con đường chính dẫn vào thôn Đăk Kang Yốp với chiều dài 1,5km đã được bê tông hóa.
Nhiều năm làm Bí thư chi bộ của thôn Đăk Kang Yốp (100% dân số là ĐBDTTS), ông A Nĩ chia sẻ kinh nghiệm: Phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở thì mọi việc dù khó mấy cũng được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện.
Một điều mà ông A Nĩ luôn tin tưởng đó là những gì phục vụ lợi ích cho nhân dân sẽ được người dân đồng tình ủng hộ.
Tú Quyên